HTX vận tải trước sức nóng với 'đường đua' xe điện
Sau khi xe buýt chạy bằng điện được đưa vào khai thác tại Hà Nội, loại hình vận tải khác là xe taxi cũng đang triển khai sử dụng xe điện. Dù biết được vai trò của xe điện trong tương lai, tuy nhiên để các HTX có thể tham gia và cùng phổ biến loại phương tiện này trong lĩnh vực giao thông vẫn còn những rào cản cần vượt qua.
Thực tế đã có nhiều HTX vận tải đầu tư các xe sử dụng nhiên liệu sạch như HTX vận tải Việt Thắng, HTX vận tải 19-5 (TP. HCM)… Nhưng các xe được sử dụng năng lượng sạch phần lớn thuộc về xe buýt. Ngoài ra, một số HTX cũng đã sử dụng xe điện nhưng mới chỉ dừng ở các HTX du lịch để phục vụ đưa đón khách trong điểm du lịch.
Rào cản tài chính
Trong Quyết định 876 về lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh giai đoạn 2022 – 2030, Nhà nước đã đặt mục tiêu với đường bộ, thúc đẩy sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và chuyển đổi sử dụng các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sử dụng điện; mở rộng phối trộn, sử dụng 100% xăng E5 đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ…
Trước mục tiêu này và việc loại hình vận tải taxi điện cũng bắt đầu được triển khai ở một số tỉnh thành phố, ông Nguyễn Xuân Tuấn, Giám đốc HTX Giao thông Vận tải Toàn Cầu (Hà Nội) cho biết, sử dụng nhiên liệu sạch trong ngành giao thông vận tải, trong đó có xe chạy điện là hướng đi bền vững. Nếu HTX nào thích ứng và có đủ năng lực để đầu tư thì sẽ tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Sự ra đời của taxi điện ở một số tỉnh thành phố cũng sẽ tạo tâm lý tò mò, thu hút được lượng khách nhất định, nhất là khách trẻ, từ đó khiến các HTX, doanh nghiệp taxi chạy bằng nhiên liệu truyền thống mất đi một lượng khách nhất định.
Nhiều HTX làm dịch vụ taxi cho biết, dù có lợi thế nhưng để taxi điện đi vào cuộc sống là cả một quá trình dài. Bởi đối với các HTX làm dịch vụ taxi thì việc chuyển xe xăng sang xe điện là cả một vấn đề. Xét về tổng thể, các HTX vận tải gặp rất nhiều khó khăn về nguồn lực. Trong khi một xe taxi điện hiện nay có giá từ trên 700 triệu đồng đến trên 1 tỷ đồng.
Dịch vụ taxi có nhiều đặc điểm riêng mà hệ thống xe điện hiện nay chưa đáp ứng được. |
Chi phí cao là một trong những nguyên nhân khiến các thành viên HTX từ chối chuyển đổi sang đầu tư xe điện vì vượt quá tầm với của nhiều thành viên HTX. Trong khi một chiếc xe xăng để phục vụ chạy taxi có giá trung bình dưới 500 triệu đồng có khá nhiều lựa chọn.
Ông Bùi Minh Ngọc, Giám đốc HTX vận tải công nghệ Hà Nội, cho biết rào cản về vấn đề tài chính là lớn nhất đối với các HTX. Tại Việt Nam, giá một chiếc ô tô điện còn khá đắt đỏ, gấp 2-3 lần giá một chiếc ô tô thông thường được dùng để hoạt động taxi.
Thực tế, để mua xe, chuyển đổi xe với số lượng lớn, các HTX làm dịch vụ taxi buộc phải vay ngân hàng. Tuy nhiên, trong bối cảnh các tổ chức tín dụng liên tục tăng lãi suất thì khả năng tiếp cận vốn vay của HTX càng khó khăn.
Tính toán kỹ lưỡng
Ngoài ra, các HTX còn cho rằng việc chuyển đổi sang xe điện là một vấn đề, vấn đề khác là khi có xe điện thì sử dụng như thế nào để nâng hiệu quả của hoạt động taxi. Bởi hiện nay, xe điện có hoạt động chính thức nhưng cũng chỉ đảm bảo trong nội thành, nội tỉnh một số địa phương. Còn xét về mặt kinh tế, nhiều tài xế vẫn đang ưu tiên các chuyến đường dài, chuyến đi xa nhưng với hạ tầng cơ sở hiện nay vẫn còn bất cập vì ít trạm sạc và thiếu các trạm sạc nhanh.
“Đổ xăng không mất quá nhiều thời gian, còn sạc xe điện có thể lên đến 40 phút. Điều này không khả thi trong thời thời điểm hiện nay vì làm ảnh hưởng đến thời gian làm việc của thành viên và cả khách hàng”, ông Ngọc nói.
Ông Nguyễn Xuân Tuấn cũng cho rằng, nhìn thực tế từ xe đạp điện, ô tô điện cá nhân có thể thấy, nếu ban ngày, chủ phương tiện đi thì ban đêm phải dành thời gian để sạc điện. Nhưng với dịch vụ taxi thì không phân định thời gian làm ngày hay làm đêm, quãng đường di chuyển lại dài. Chính vì vậy, mà xe điện tuy có những ưu điểm nhưng khi đi vào hoạt động cũng khó đáp ứng được hết những đặc điểm riêng của dịch vụ taxi, từ đó hạn chế về mặt hiệu quả kinh tế.
Do đó, việc đầu tư chuyển đổi sang taxi điện ở thời điểm hiện tại chưa thể làm nhanh. Bên cạnh đó, đây mới là giai đoạn đầu nên các HTX cũng cần xem xét, tính toán kỹ lưỡng khả năng lợi nhuận, nhu cầu sử dụng dịch vụ taxi điện của khách hàng nhằm hạn chế rủi ro đến mức thấp nhất.
Chuyên gia ôtô Nguyễn Vĩnh Nam, cho rằng xe điện đang được ưu đãi về thuế nhưng người dân, HTX và cả doanh nghiệp làm taxi có động cơ đốt trong vẫn còn băn khoăn về thời gian nạp điện, quãng đường đi được của xe điện, bài toán trạm sạc, chi phí đầu tư… Nếu giải quyết được những vấn đề này thì xe điện mới có thể phát triển và được đầu tư rộng khắp.
Bên cạnh đó, cần xem xét bỏ lệnh cấm taxi đối với một số tuyến phố vì taxi là phương tiện giao thông công cộng, cần được ưu tiên hơn phương tiện cá nhân.
Đi cùng với đó, cần gỡ quy định dừng cấp phép cho xe taxi tại Hà Nội. Bởi nếu không tính toán đến yếu tố này, việc đầu tư xe điện chỉ phù hợp với những đơn vị thay xe hoặc xe hết niên hạn sử dụng, Còn đối với HTX, doanh nghiệp thành lập mới, mua xe mới để chở khách bằng xe ô tô điện theo hình thức taxi vẫn còn nhiều trở ngại.
Theo VN Business