Điều gì đã giúp người dân Đắk Glong tự vươn lên thoát nghèo?

lmhtx.khanhhoa.gov.vn ── [ In trang Thứ sáu, 22/11/2024 ]

Với phương châm “người dân tự vươn lên thoát nghèo, có sự hỗ trợ của Nhà nước và được cộng đồng giúp đỡ”, huyện Đắk Glong (tỉnh Đắk Nông) đang từng bước giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống mức thấp nhất có thể. Nhất là phát huy tinh thần nội lực, tạo mối liên kết để phát triển kinh tế hợp tác, nhân rộng các mô hình sinh kế bền vững. 

Xã Đắk Ha (Đắk Glong) hiện có hơn 2.800 hộ dân, trong đó đồng bào thiểu số chiếm trên 30%. Những năm qua, xã đã có những mô hình để giúp người dân phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo, trong đó phải kể đến phát triển HTX.

HTX tạo sinh kế cho dân nghèo

Điển hình như HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Đắk Ha được thành lập cách đây 2 năm, có 8 thành viên chính thức, 30 ha đất sản xuất và 30 hộ liên kết với khoảng 60 ha đất. 

Các loại cây trồng được HTX đưa vào sản xuất là rau xanh, cà tím, củ cải, cà chua, chuối sứ (chuối hương) trồng xen với cây ăn quả như sầu riêng, nhãn, mắc ca…

Thời gian qua HTX chú trọng sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao tạo ra hàng nghìn tấn rau, củ, quả đạt tiêu chuẩn VietGAP để cung cấp cho thị trường như siêu thị, chợ đầu mối ở các tỉnh, thành phố lớn…

Nhờ hoạt động hiệu quả đã mang lại doanh thu cho HTX hàng tỷ đồng/năm. Không chỉ vậy, HTX đã tạo việc làm cho 20 lao động thường xuyên với thù lao 7-8 triệu đồng/người/tháng.

Còn ở xã Quảng Sơn (với 70% dân số là đồng bào thiểu số) có HTX Nông nghiệp - Thương mại - Dịch vụ Dano Farm được xem là HTX điển hình của Đắk Glong. 

HTX này luôn đồng hành cùng chính quyền địa phương trong công tác xóa đói, giảm nghèo. Nhất là triển khai sản xuất các sản phẩm từ tơ tằm cũng như mặt hàng cà phê bột.

Để nâng cao trình độ cho bà con, HTX thành lập 4 tổ sản xuất cà phê sạch, 3 tổ trồng dâu nuôi tằm. Các thành viên ở các tổ này được HTX phối hợp với các cơ quan chuyên môn tập huấn, hướng dẫn cách làm nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Nhờ đó, đến nay, các thành viên, hộ liên kết đã bước đầu biết áp dụng các quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn UTZ, qua đó từng bước nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Là thành viên của HTX, chị Chu Thị Thúy cho biết nhờ được HTX giúp sức nên nhiều bà con ở đây có thể thoát nghèo với nghề trồng dâu nuôi tằm. Để phát triển kinh tế với nghề này, toàn bộ giống, kỹ thuật, đầu ra, thức ăn đều do HTX cung cấp, các thành viên chỉ việc bỏ công chăm sóc. 

“Mỗi tháng nuôi 2 hộp kén, doanh thu đạt khoảng 20 triệu đồng, tôi được hưởng 40% doanh thu. Nguồn thu này ngang bằng với mức lương khi tôi làm công nhân may, công việc trồng dâu nuôi tằm nhìn chung nhàn hơn làm công nhân”, chị Thúy chia sẻ.

Phát huy tinh thần nội lực

Bên cạnh đó, HTX Dano Farm  còn tìm nghệ nhân ươm tơ thủ công và dệt được sản phẩm tơ tằm kết hợp thổ cẩm, đã cho ra đời các sản phẩm khăn choàng, áo dài, khẩu trang, khăn lưu niệm, gối tằm… đáp ứng nhu cầu của khách du lịch đến với Đắk Glong.

Người dân Đắk Glong phải có ý thức thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Theo chị Tạ Thị Liên, Giám đốc HTX, khó khăn lớn nhất là xây dựng vùng nguyên liệu khi người dân chưa tin tưởng vào mô hình. Chính vì vậy, HTX đã hướng dẫn các hộ dân tham gia làm du lịch theo quy trình chất lượng cao để phục vụ du khách. Các sản phẩm du lịch của HTX được giới thiệu về quy trình, nguồn gốc và những giá trị riêng… 

“HTX tạo liên kết với các hộ dân xây dựng khoảng 100 ha vùng trồng dâu, nuôi tằm tạo nguyên liệu để làm ra sản phẩm tơ tằm. Hiện nay, có 2 làng nghề trong nước liên kết với HTX để tạo ra sản phẩm tơ tằm phục vụ phát triển các sản phẩm du lịch”, chị Tạ Thị Liên cho biết.

Có thể nói, với sự linh hoạt trong sản xuất, kinh doanh, các HTX trên địa bàn huyện Đắk Glong đã tập hợp được nhiều nông dân tham gia vào phát triển sản xuất nông nghiệp, được xem như “chìa khóa” giúp thoát nghèo bền vững.

Ngoài ra, huyện Đắk Glong còn chú trọng phát triển rừng gắn với giảm nghèo bền vững. Hồi năm 2022, Hạt Kiểm lâm huyện Đắk Glong cũng đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức họp vận động người dân tham gia trồng rừng. Kết quả tính đến cuối năm 2022, tổng diện tích phát triển rừng trên địa bàn, bao gồm cả diện tích ngoài kế hoạch là 542,254 ha.

Để nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, phục vụ mục tiêu giảm nghèo bền vững của địa phương, huyện Đắk Glong kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư các nhà máy, các chuỗi cung ứng sản phẩm có nguồn gỗ từ rừng trồng trên địa bàn để tạo vùng sản xuất rừng trồng bền vững, từ đó, góp phần tăng thu cho ngân sách và hỗ trợ người dân thoát nghèo.

Huyện Đắk Glong có đặt ra chỉ tiêu phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo chung toàn huyện bình quân hằng năm giảm trên 7%, từ 39,99% cuối năm 2021 xuống còn dưới 10% cuối năm 2025. Tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ giảm từ 59,06% cuối năm 2021 xuống còn 35% cuối năm 2025. Phấn đấu tăng thu nhập bình quân đầu người tại huyện Đắk Glong từ 1,8 lần so với năm 2020.

Để làm được điều đó, đòi hỏi huyện cần đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo. Nhất là xây dựng, phát triển, nhân rộng các mô hình phát triển sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế hợp tác… nhằm tạo việc làm, sinh kế bền vững, thu nhập tốt cho hộ nghèo,

Như chia sẻ của ông Đoàn Văn Phương - Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong, để công tác giảm nghèo đạt được hiệu quả, trước hết phải phát huy tinh thần nội lực, với phương châm “người dân tự vươn lên thoát nghèo, có sự hỗ trợ của Nhà nước và được cộng đồng giúp đỡ”. 

Theo ông Phương, người dân phải có ý thức thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng bằng cách khai thác hiệu quả những giá trị mà các chính sách, dự án thoát nghèo mang lại.

                                                                              Theo VN Business