Nông dân làm du lịch ở xứ 'đệ nhất danh trà'

lmhtx.khanhhoa.gov.vn ── [ In trang Thứ sáu, 22/11/2024 ]

Sự ra đời của hàng loạt mô hình nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái, trong đó có các HTX, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên thời gian qua không chỉ góp phần nâng cao giá trị nông sản mà còn tạo việc làm, tăng thu nhập, thúc đẩy chuyển dịch sản xuất nông nghiệp thuần túy sang kinh tế dịch vụ.

Thái Nguyên là một trong những vùng sản xuất chè lớn nhất cả nước, với “tứ đại danh trà” gồm Tân Cương, La Bằng, Khe Cốc, Trại Cài. Bên cạnh đó, tỉnh còn có nhiều đặc sản nông nghiệp nổi tiếng như măng khô, miến, gạo bao thai Định Hóa, gạo nếp vải Phú Lương, “tương Úc Kỳ” Phú Bình…

Nhiều chuyển biến tích cực

Những sản phẩm nông nghiệp đặc sắc, cùng những di tích lịch sử giàu giá trị văn hóa, tâm linh, đi kèm diện tích rừng lớn, lưu giữ nhiều loại cây quý với thảm thực vật và các loại thảo dược rất phong phú... giúp tỉnh Thái nguyên có nhiều tiềm năng để phát triển nông nghiệp kết hợp du lịch.

Hiện, trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều khu, điểm thăm quan du lịch với các dịch vụ trải nghiệm thu hút đông đảo du khách, tạo ra giá trị kinh tế cao như khu Du lịch văn hóa dân tộc Tày Thái Hải (sản phẩm đạt OCOP 4 sao), điểm du lịch Bản Quyên (Định Hóa), điểm du lịch thác 7 tầng xóm Khe Cạn (Đồng Hỷ)…

Đáng chú ý, quá trình phát triển du lịch nông nghiệp tại Thái Nguyên đang có sự hiện diện mang dấu ấn đậm nét của các HTX, với loạt mô hình tiêu biểu.

Sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch là xu hướng \"hợp thời\", mang lại lợi ích kép về kinh tế, môi trường (Ảnh: BTN).

Điển hình như không gian trưng bày và trải nghiệm chế biến chè truyền thống của HTX chè Hảo Đạt (TP. Thái Nguyên), HTX chè La Bằng (Đại Từ), HTX du lịch cộng đồng Ghềnh Chè (TP. Sông Công), điểm du lịch Thác Ngao của HTX Quân Chu (Đại Từ)…

Sáu gần 3 năm hoạt động, đến nay, HTX Du lịch cộng đồng Ghềnh Chè, xóm Tiền Tiến, xã Bình Sơn (TP. Sông Công) đang thu hút hơn 30 thành viên và hộ liên kết, phát triển các nhóm dịch vụ chính như điều hành tour du lịch, cơ sở lưu trú, bán đồ lưu niệm…

Giám đốc HTX Ghềnh Chè Lê Văn Hiệp cho biết, phát huy lợi thế nước mặt rộng lớn của hồ Ghềnh Chè, HTX đã liên kết với các hộ dân trong khu vực đầu tư 30 lồng nuôi cá với tổng diện tích 10.000m2, vừa để phục vụ nhu cầu ăn uống của du khách vừa để mọi người chiêm ngưỡng khi đến tham quan.

Ngoài ra, HTX Ghềnh Chè cũng liên kết với HTX trà Cao Sơn (xóm Khe Lim, xã Bình Sơn) tổ chức cho du khách tham gia các hoạt động thăm trải nghiệm thực tế thu hái, chế biến, thưởng thức chè…

Nhờ kết hợp hiệu quả giữa sản xuất và du lịch, thu nhập của thành viên, hộ liên kết của HTX ngày càng được nâng lên. Đến nay, 100% thành viên HTX có thu nhập khá, bình quân 100-300 triệu đồng/hộ/năm. HTX cũng là địa chỉ quen thuộc để nông dân địa phương đến học hỏi kinh nghiệm.

Thêm động lực để tạo bứt phá

Theo thống kê, toàn tỉnh Thái Nguyên hiện có gần 20 HTX làm nông, lâm nghiệp kết hợp du lịch sinh thái. Sự kết hợp này không chỉ giúp các HTX nâng cao hiệu quả, gia tăng thu nhập cho thành viên, mà còn góp phần vào quá trình xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Điển hình như tại xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên), sau hơn 6 năm đi vào hoạt động, HTX chè Hảo Đạt đã phát triển từ 7 lao động lên hơn 40 lao động và nhiều hộ liên kết sản xuất. HTX cũng phát triển thành công thương hiệu chè đạt chuẩn OCOP 5 sao cấp quốc gia.

Những đóng góp tích cực của các HTX điểm như Hảo Đạt đang giúp xã Tân Cương trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo. Hiện, thu nhập bình quân trên địa bàn xã đạt 53,3 triệu đồng/người/năm (tăng mạnh so với năm 2021 đạt trên 47 triệu đồng/người/năm), tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,53%; 100% người dân được tiếp cận dịch vụ tốt về điện, đường, trường, trạm.

Có thể thấy, trong bối cảnh diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp do công nghiệp hóa, hiện đại hóa, việc lựa chọn phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái là hướng đi hiệu quả, cần được chú trọng khai thác để nâng cao thu nhập cho người dân khu vực nông thôn.

Dù đang có những chuyển biến tích cực, song cần phải nhìn nhận một thực tế là việc phát triển các mô hình nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện nay vẫn còn ít, đa phần các mô hình mới chỉ đáp ứng được nhu cầu ăn uống, nghỉ dưỡng ở mức giản đơn. Đặc biệt, người dân vẫn chưa có các kỹ năng hướng dẫn du lịch, tổ chức du lịch cộng đồng.

Để hỗ trợ người dân, HTX làm du lịch cộng đồng, những năm qua, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Thái Nguyên đã phối hợp với Sở NN&PTNT, Liên minh HTX tỉnh tổ chức nhiều lớp tập huấn về các nội dung như: cách thức pha trà, mời trà, đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ tiếp đón du khách cho đại diện các hộ dân, HTX làm du lịch; kỹ năng tổ chức du lịch cộng đồng…

Đồng thời, các địa phương cũng đẩy mạnh hỗ trợ, vận động người dân, HTX chỉnh trang nương chè, nâng cấp nhà cửa sạch sẽ, tạo cảnh quan sạch đẹp để thu hút khách du lịch.

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ thiết thực hơn, trong đó phát huy tốt vai trò cầu nối, dẫn dắt của các HTX trong phát triển nông nghiệp sinh thái kết hợp du lịch trải nghiệm, tạo cơ chế hình thành chuỗi liên kết giữa HTX và doanh nghiệp lữ hành để thu hút nhiều du khách cả trong và ngoài nước, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân.

Theo VN Business