Nông dân vào HTX, liên kết làm gạo sạch theo tiêu chuẩn châu Âu

lmhtx.khanhhoa.gov.vn ── [ In trang Thứ sáu, 22/11/2024 ]

Ngày càng có nhiều HTX trên địa bàn các tỉnh miền Tây ứng dụng hiệu quả khoa học công nghệ vào sản xuất, tạo ra những hạt gạo sạch theo tiêu chuẩn châu Âu, từ đó nâng cao giá trị canh tác, làm giàu cho nông dân.

HTX Bình Thành ở Thoại Sơn, An Giang là một trong những HTX nông nghiệp quy mô lớn và nhiều dịch vụ nhất miền Tây Nam bộ. Vào HTX, nhiều nông dân tại địa phương đang trở thành những “nông dân công nghệ”, thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm.

Làm ruộng “không dấu chân”

Trên cánh đồng hơn 1.000 ha, HTX Bình Thành nhiều năm qua đã ứng dụng sản xuất theo tiêu chuẩn SRP 100 của Bộ NN&PTNT, cho giá trị kinh tế vượt trội.

Ông Nguyễn Thành Giang, Giám đốc HTX, cho biết điểm nhấn đặc sắc nhất của HTX là những cánh đồng “không dấu chân người”, tức toàn bộ được cơ giới hóa, máy móc làm hộ, nông dân hầu như không phải lội ruộng.

“Chỉ riêng ứng dụng máy bay không người lái đã giúp thành viên HTX tiết kiệm 20% chi phí, tốc độ cũng nhanh gấp 10 lần, kỹ thuật sạ thưa giảm đổ ngã, thu hoạch nhanh đồng loạt tăng chất lượng gạo… Việc ứng dụng công nghệ cao giúp nông dân liên kết với HTX lãi thêm 6 triệu đồng/ha”, ông Giang nhẩm tính.

Xây dựng cánh đồng lớn, ứng dụng công nghệ cao là chìa khóa để HTX nâng tầm hạt gạo (Ảnh: BAG).

Nhờ sản xuất hiện đại, đồng bộ hóa từ sản xuất đến thu hoạch, bảo quản, hạt gạo từ giống lúa OM18 của HTX có chất lượng hàng đầu thế giới, dễ dàng vượt qua các “hàng rào” chất lượng của thị trường châu Âu.

\"Vào HTX, làm ruộng theo \"công thức\" an toàn, vừa tăng giá trị hạt gạo, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Hạt gạo đem qua trời Âu bán thì không chỉ lợi cho nông dân mà còn nâng cao thương hiệu cho hạt gạo Việt Nam”, ông Lân, một nông dân ở huyện Thoại Sơn chia sẻ.

Cùng với An Giang, những năm qua, trên địa bàn tỉnh Trà Vinh cũng đang hình thành nhiều HTX làm gạo sạch theo tiêu chuẩn châu Âu, Nhật Bản, mang lại lợi ích kép về kinh tế cho người nông dân và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

HTX nông nghiệp Long Hiệp xã Long Hiệp, huyện Trà Cú là một điển hình. Anh Trầm Minh Thuần, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX kể sau khi tốt nghiệp thạc sĩ ngành luật kinh tế, anh trở thành cán bộ địa chính huyện.

Trong quá trình làm việc, anh liên tục nhìn thấy nông dân quê hương gặp phải điệp khúc “được mùa, mất giá”. Theo đó, anh quyết định xin nghỉ việc, trở về quê nhà ở xã Long Hiệp, huyện Trà Cú vận động 61 hộ nông dân trồng lúa và thành lập HTX với diện tích canh tác hơn 50 ha.

Động lực cho hạt gạo “chuyển mình”

Việc khởi nghiệp với mô hình HTX không hề dễ dàng, anh Thuần luôn phải là người đi đầu làm gương cho thành viên. Anh cũng trực tiếp đứng ra vay vốn, đầu tư thiết bị, máy móc, vật tư để cung cấp cho nông dân, từng bước nâng cao giá trị sản xuất, mở rộng thị trường.

Sau thời gian dài nỗ lực, HTX đang ngày càng mở rộng diện tích, nâng cao số lượng thành viên. Với sự dẫn dắt của HTX, nhiều người dân địa phương tự tin làm nông nghiệp hiện đại, tăng thu nhập trên cùng một diện tích đất, hạn chế tình trạng “được mùa, mất giá”.

Những năm qua, năng suất lúa trong HTX cao hơn 30% so với ngoài HTX và giá lúc nào cũng được bao tiêu cao hơn 500 đồng/kg so với giá thị trường.

Đặc biệt, HTX đang thử nghiệm mô hình trồng lúa hữu cơ kết hợp nuôi tôm càng xanh trên diện tích hơn 20 ha ở vùng mặn thuộc huyện Duyên Hải.

Đồng thời, để thích ứng thời kỳ hội nhập, HTX đã đẩy mạnh số hóa từ năm 2020, đưa sản phẩm lên các trang thương mại điện tử. Đây là một phần lý do giúp HTX không bị tác động quá nhiều bởi đại dịch Covid-19, duy trì đà tăng trưởng mạnh trong 3 năm qua.

Nhờ hoạt động hiệu quả, HTX hiện duy trì doanh thu trên 3 tỷ đồng/năm, đảm bảo đời sống ổn định với thu nhập bình quân 50 – 120 triệu đồng/năm cho thành viên, mức lương bình quân của người lao động đạt 7-15 triệu đồng/tháng.

Có thể thấy, các mô hình HTX điểm, ứng dụng hiệu quả khoa học công nghệ vào sản xuất lúa gạo, mang lại giá trị gia tăng cao, đang ngày càng nhân rộng trên địa bàn các tỉnh miền Tây.

Sự thay đổi của các HTX theo hướng hiện đại hóa cũng nằm trong xu hướng cơ cấu lại, chuyển từ chú trọng số lượng sang chú trọng chất lượng của ngành lúa gạo. Đặc biệt là trong bối cảnh Bộ NN&PTNT cùng các địa phương đang tích cực hoàn thiện và triển khai đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.

Đang có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên, để giữ vững và nâng cao hơn nữa giá trị hạt gạo, đặc biệt là hướng tới các mục tiêu xuất khẩu đi châu Âu, châu Mỹ, Nhật Bản… thì các HTX cần tiếp tục đẩy mạnh liên kết trong sản xuất - chế biến - tiêu thụ.

Các HTX cũng cần ổn định và không ngừng cải tiến chất lượng gạo với các sản phẩm đa dạng, đáp ứng thị hiếu tiêu dùng mới của nhiều khách hàng trên thế giới như gạo hữu cơ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng, các sản phẩm chế biến sâu từ gạo… Bên cạnh đó, cần chú trọng đến việc hài hòa lợi ích trong sản xuất và xuất khẩu gạo

Bên cạnh sự nỗ lực tự thân của các HTX, những chính sách hỗ trợ của cơ quan chức năng, địa phương trong kết nối thị trường, nâng cao chất lượng lao động, ứng dụng công nghệ cao, vốn vay, đất đai… cũng là yếu tố quyết định, giúp các HTX phát huy hết tiềm năng, đem lại giá trị thiết thực cho người nông dân.

Theo VN Business