Nâng tầm hợp tác với TP. Hồ Chí Minh
Ông Nguyễn Hải Ninh và ông Phan Văn Mãi tham quan gian hàng triển lãm của TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Nam Trung bộ. |
Mở ra nhiều triển vọng, cơ hội hợp tác mới
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Tấn Tuân cho biết: “Hội nghị tổng kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung Bộ là sự kiện đặc biệt quan trọng để đánh giá toàn diện những kết quả, thành tựu đã đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế trong hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa các địa phương thời gian qua. Từ đó, đề xuất định hướng, giải pháp hợp tác, liên kết trọng tâm và hiệu quả trong giai đoạn 2023 - 2025. Ngoài ra, đây còn là dịp để kết hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, kết nối giao thương và các hoạt động xã hội mang nhiều ý nghĩa, góp phần gắn kết mối quan hệ giữa Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các tỉnh, thành phố”.
Từ năm 2002 đến 2005, TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện các chương trình hợp tác, phát triển kinh tế - xã hội với hầu hết các tỉnh Nam Trung Bộ; qua đó thúc đẩy tiêu thụ và kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh dòng luân chuyển hàng hóa, nâng tầm giá trị sản phẩm đặc trưng, góp phần phát triển kinh tế, giải quyết việc làm tại các địa phương. Đồng thời, một số tập đoàn lớn cũng nghiên cứu, mở các chi nhánh trên địa bàn các tỉnh, tạo động lực phát triển hạ tầng thương mại của địa phương theo hướng hiện đại.
Riêng tại Khánh Hòa, trong thời gian ký kết hợp tác từ năm 2013 đến 2021, các doanh nghiệp (DN) TP. Hồ Chí Minh đã đầu tư 6 siêu thị quy mô lớn, chuỗi cửa hàng Bách hóa Xanh, siêu thị Điện máy Xanh, Thế giới di động. Về lĩnh vực công nghiệp, đã có 6 dự án của DN TP. Hồ Chí Minh đầu tư khoảng 279 tỷ đồng vào Khu Kinh tế Vân Phong và Khu Công nghiệp Suối Dầu. Nhiều tour, sản phẩm du lịch của tỉnh đã được giới thiệu đến các DN để phối hợp xây dựng các tour du lịch kết nối giữa TP. Hồ Chí Minh và Khánh Hòa cũng như các địa phương khác trong vùng. TP. Hồ Chí Minh còn có nhiều hoạt động hợp tác đào tạo, hỗ trợ về giáo dục, y tế cho vùng Duyên hải Nam Trung Bộ nói chung và Khánh Hòa nói riêng.
Sự hợp tác giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Nam Trung Bộ đã đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng, khá toàn diện về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, cũng như bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, kinh tế - xã hội của vùng vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có; hoạt động hợp tác xúc tiến thương mại và đầu tư chưa đồng đều giữa các tỉnh trong vùng; dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến tình hình kinh tế - xã hội ở các địa phương, do đó, các hoạt động liên quan đến xúc tiến đầu tư, thương mại, đào tạo, hỗ trợ doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng do phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, việc kết nối, hình thành chuỗi liên kết sản xuất, phân phối đến nay vẫn còn khó khăn khi nhiều sản phẩm có thế mạnh và tiềm năng của các địa phương vẫn chưa thể kết nối, cung ứng vào thị trường TP. Hồ Chí Minh. Trong công tác xúc tiến thu hút đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp, thương mại, mặc dù đã được các nhà đầu tư TP. Hồ Chí Minh quan tâm song số lượng dự án đầu tư còn ít.
Ông Nguyễn Tấn Tuân nhận định, bên cạnh những kết quả, thành tựu đạt được, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh trong vùng Duyên hải Nam Trung Bộ vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức; phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có; một số nội dung hợp tác chưa thực sự phát huy hiệu quả cao nhất. Chính vì vậy, việc tiếp tục xây dựng và ký kết Chương trình hợp tác giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung Bộ với những định hướng mới, có hiệu quả, trọng tâm hơn nữa là điều hết sức cần thiết. Khánh Hòa và các tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung Bộ kỳ vọng và tin tưởng rằng, Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội với TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2023 - 2025 sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả cao nhất, thực chất hơn và đi vào chiều sâu, mở ra nhiều triển vọng mới, cơ hội hợp tác mới và thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hợp tác lâu dài giữa các địa phương với TP. Hồ Chí Minh.
Ký kết hợp tác chung cả vùng và riêng từng địa phương
Tại hội nghị, lãnh đạo 6 tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh đã tiến hành ký kết Biên bản thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2023 - 2025 với 2 phần trọng tâm, đó là hợp tác chung và hợp tác với từng tỉnh. Trong đó, hợp tác chung ở 5 lĩnh vực, gồm: Phát triển du lịch; kết nối cung - cầu, xúc tiến đầu tư - thương mại; phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực; phát triển nông nghiệp; hợp tác thích ứng với biến đổi khí hậu. Về hợp tác song phương, TP. Hồ Chí Minh ký kết từng lĩnh vực thế mạnh theo đặc thù của từng địa phương.
Đối với Khánh Hòa, 2 địa phương phối hợp rà soát, cập nhật danh mục các dự án kêu gọi đầu tư giai đoạn 2023 - 2025, lồng ghép vào các sự kiện nhằm thông tin và hỗ trợ kết nối doanh nghiệp với chính quyền. Trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, TP. Hồ Chí Minh và Khánh Hòa phối hợp tổ chức các sự kiện, hoạt động xúc tiến thương mại có quy mô lớn định kỳ 2 năm/lần. Ngoài ra, TP. Hồ Chí Minh sẽ có sự hợp tác giữa các bệnh viện lớn với ngành Y tế Khánh Hòa để hỗ trợ điều trị, chuyển giao kỹ thuật và đào tạo nguồn cán bộ y tế cho tỉnh.
Ông Nguyễn Tấn Tuân khẳng định, Khánh Hòa cam kết sẽ tích cực, chủ động phối hợp với chính quyền TP. Hồ Chí Minh và các địa phương trong vùng triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung của chương trình hợp tác, đảm bảo phát huy được tối đa tiềm năng, thế mạnh của các địa phương. Bên cạnh đó, chính quyền tỉnh Khánh Hòa sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất và luôn đồng hành với các DN, nhà đầu tư đến từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh trong vùng với mong muốn các nhà đầu tư đạt được thành công tại Khánh Hòa, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Khánh Hòa cũng như các địa phương khác.
Kết luận hội nghị, ông Phan Văn Mãi nhận định, trong nhiều nội dung hợp tác, lĩnh vực du lịch, kết nối cung - cầu thương mại, chuyển đổi số và nông nghiệp là các mảng mà TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Nam Trung Bộ có triển vọng hợp tác hiệu quả nhất. Thời gian tới, TP. Hồ Chí Minh sẽ tăng cường hơn nữa việc tiêu thụ hàng hóa của các tỉnh Nam Trung Bộ; đưa các DN công nghệ, chế biến của thành phố tham gia vào khâu sau sản xuất ở các địa phương. Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cũng cho biết, khác với hợp tác trước đây, lần này, các địa phương ký kết hợp tác chung cả vùng và riêng ở một số lĩnh vực, tránh các tỉnh cạnh tranh lẫn nhau làm mất động lực phát triển chung. Để việc hợp tác hiệu quả, thực chất, thời gian tới, các địa phương sẽ thành lập hội đồng điều phối chung. Theo đó, mỗi tỉnh sẽ cử ra một cơ quan thường trực, chuyên ngành tham gia; TP. Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm xây dựng chương trình hợp tác cụ thể cho từng năm. Đồng thời, lập một trang thông tin điện tử cập nhật liên tục các hoạt động liên kết. Ông Phan Văn Mãi cũng đề nghị các tỉnh tạo điều kiện, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn cho DN để triển khai hiệu quả hợp tác, liên kết.
Những năm qua, TP. Hồ Chí Minh và 6 tỉnh vùng duyên hải Nam Trung Bộ đã ký kết, triển khai nhiều chương trình hợp tác ở 14 lĩnh vực chính cũng như nhiều lĩnh vực khác. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của vùng Duyên hải Nam Trung Bộ giai đoạn 2013 - 2021 đạt khoảng 2.350.520 tỷ đồng, tăng bình quân 8,91%/năm. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng bình quân khoảng 10,57%/năm. Nông nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 3,35%/năm. Tổng kim ngạch xuất khẩu của các tỉnh trong vùng tăng từ 2,71 tỷ USD (năm 2013) lên 5,29 tỷ USD (năm 2021); tăng trưởng bình quân giai đoạn 2013 - 2021 đạt 7,72%/năm. Ngành Y tế TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực và thực hiện các chương trình quốc gia cho 25 cơ sở y tế của 6 địa phương...
Theo Bao Khánh Hòa