HTX tạo chuỗi giá trị bền vững cho cây sắn dây

lmhtx.khanhhoa.gov.vn ── [ In trang Thứ hai, 25/11/2024 ]

Hiện nay, sắn dây không chỉ dừng lại ở cây xóa đói mà đã trở thành loại cây hàng hóa. Do đó, chính quyền một số địa phương xác định đây là một trong những cây trồng chủ lực, ưu tiên phát triển để trở thành sản phẩm OCOP, góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo cho người dân địa phương.

Những năm qua, HTX Nông sản sạch Thành Nhàn ở xã Thượng Quận, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương không ngừng đổi mới dây chuyền sản xuất và phương thức kinh doanh đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Thoát nghèo từ cây trồng chủ lực

Giám đốc HTX nông sản sạch Thành Nhàn Bùi Văn Thành cho biết, những năm trước đây, các hộ dân ở xã Thượng Quận chỉ trồng sắn dây rải rác, quy mô nhỏ lẻ, manh mún, năng suất thấp.

Nhiều địa phương xác định, sắn dây không chỉ dừng lại ở cây xóa đói mà đã trở thành loại cây hàng hóa.

Nhận thấy tiềm năng phát triển cây sắn dây, từ năm 2019 đến nay, chính quyền địa phương đã quy hoạch đất đai, vận động người dân chuyển đổi diện tích đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng sắn dây. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng và chăm sóc cây sắn dây đạt hiệu quả cao.

Hiện nay, HTX tập trung đầu tư xây dựng nhà xưởng, kho sấy và mua sắm trang thiết bị để phục vụ sản xuất.

“Cơ sở của HTX hiện là xưởng sản xuất bột sắn dây có quy mô lớn và hiện đại bậc nhất ở thị xã Kinh Môn. Nhà xưởng của chúng tôi rộng hơn 1.200 m2 được chia thành 4 khu riêng biệt. Các khu được sắp xếp liền kề, nối tiếp tạo thành dây chuyền sản xuất tuần hoàn, khép kín. Công đoạn nào cũng có máy móc hỗ trợ nên không chỉ tiết kiệm được chi phí nhân công mà năng lực sản xuất cũng được cải thiện rõ rệt\", Giám đốc Bùi Văn Thành thông tin.

Với 6 bể chứa lớn cùng sự hỗ trợ của nhiều loại máy móc hiện đại như máy vắt, xay, hút, lò sấy điện..., mỗi ngày HTX có thể sản xuất 3 tạ bột sắn dây thành phẩm, tăng gấp đôi so với làm thủ công. Bên cạnh đó, việc sử dụng dây chuyền sản xuất khép kín, ứng dụng công nghệ cao đã giúp bột sắn dây Thành Nhàn giữ được hương vị riêng và cho mẫu mã đẹp hơn.

Hàng sản xuất ra đến đâu đều được thương lái đến tận nơi thu mua hết. Bột sắn dây Thành Nhàn dần tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Năm 2019, tổng doanh thu của HTX Nông sản sạch Thành Nhàn đạt trên 1 tỷ đồng. Đến năm 2022 đạt trên 3 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận chiếm từ 15-20%.

Với mong muốn tạo ra những sản phẩm an toàn, có nguồn gốc rõ ràng, HTX Nông sản sạch Thành Nhàn đã chủ động liên hệ với các hộ dân trong xã xây dựng vùng nguyên liệu hàng trăm ha. Ngoài ra, HTX còn nhận bao tiêu sản phẩm cho một số vùng trồng sắn dây lớn ở thị xã Kinh Môn. \"Để nâng cao chất lượng sản phẩm hơn nữa, chúng tôi đang đầu tư gần 1 tỷ đồng mua thêm 1 lò sấy lạnh công suất 1 tấn/lượt\", Giám đốc Bùi Văn Thành cho hay.

Gia đình chị Phương Thị Thảo, ở xã Thượng Quận, có diện tích trồng sắn và quy mô sản xuất tinh bột khá lớn trong xã. Chị Thảo cho biết, sắn dây là loại cây dễ trồng, chịu hạn tốt, ít công chăm sóc lại ít sâu bệnh, chi phí đầu tư thấp do tự nhân giống cho các vụ liền kề. Đặc biệt, loại cây này lại rất hợp với chất đất và điều kiện khí hậu ở vùng đất Thượng Quận. Do vậy, sắn dây trồng ở đây cho năng suất và chất lượng củ rất tốt.

“Mỗi sào trồng sắn dây cho thu hoạch trung bình 800-900 kg sắn tươi, tương ứng 1,8 tạ bột khô, bán với giá 90.000 -100.000 đồng/kg sẽ thu được trên 16 triệu đồng/sào, cho doanh thu 400 triệu đồng/ha”, chị Thảo chia sẻ.

Tự tin phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo

Ông Nguyễn Văn Tới, thành viên HTX nông sản sạch Thành Nhàn cho hay, gia đình ông trồng sắn dây đã hơn 5 năm nay. Sắn dây là loại cây dễ trồng, chịu hạn tốt, không tốn công chăm sóc, chi phí đầu tư thấp. Các thành viên HTX không dùng hóa chất mà dùng phân bón hữu cơ để bón cho cây.

Đặc biệt, loại cây này hợp với thổ nhưỡng, được trồng, chăm sóc bởi những người có nhiều kinh nghiệm nên cho củ sai, nhiều bột, chất lượng thơm ngon đặc trưng, được nhiều người biết đến. Trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông thu 40 - 50 triệu đồng, giá trị gấp 10 lần trồng lúa.

Bà Vũ Thị Riềm, xã Thượng Quận chia sẻ: \"Nhà tôi trồng sắn dây đã gần 6 năm nay, mỗi vụ trồng khoảng 100 hốc, thu được khoảng 5 tấn củ. Tôi vừa bán củ sắn tươi vừa chế biến thành bột sắn nhưng theo quy mô gia đình, hiệu quả không cao. Từ ngày thành lập HTX, tôi vào làm công nhân với mức lương 5 triệu đồng/tháng, và cung cấp củ sắn tươi cho HTX chế biến với giá cao hơn bán ra ngoài thị trường. Sản xuất theo quy trình khép kín, đặc biệt được sấy khô ngay, vì vậy bột sắn dây trắng, thơm ngon, đầu ra ổn định. Sản phẩm bột sắn dây của HTX được đóng hộp hoặc đựng trong túi vừa đẹp mắt vừa tiện lợi cho người tiêu dùng lại bảo quản được lâu\".

Theo ông Bùi Văn Lượng, Chủ tịch UBND xã Thượng Quận, cây sắn dây được xác định là một trong những loại cây chủ lực góp phần thoát nghèo cho người dân địa phương.

Mùa thu hoạch sắn dây 2022, nhiều nông dân ở xã Thượng Quận phấn khởi bởi cây sắn dây cho năng suất tốt. Trong đó, sản phẩm tinh bột sắn dây Ngọc Liên cũng đang hoàn thiện hồ sơ để được thẩm định sản phẩm OCOP của huyện.

Ông Nguyễn Xuân Hạ, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Kinh Môn đánh giá, trước đây việc trồng, chế biến sắn dây của người dân còn nhỏ lẻ, dân trồng ra chủ yếu bán củ tươi, giá thấp 10.000 - 12.000 đồng/kg, từ khi có HTX thu mua thì tăng lên 19.000 - 20.000 đồng/kg. Chế biến thành bột sắn dây giá trị tăng lên gấp nhiều lần.

Thời gian tới, huyện tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con mở rộng diện tích trồng sắn dây để cung cấp nguyên liệu cho HTX chế biến thành bột sắn, đồng thời tạo điều kiện cho HTX mở rộng cơ sở sản xuất, đầu tư thêm trang thiết bị nâng cao công suất, chất lượng cũng như tiêu thụ sản phẩm.

Thay đổi tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế, những nông dân ở xã Thượng Quận đã xây dựng thành công thương hiệu và làm giàu từ loại nông sản dân dã sẵn có của địa phương, góp phần thực hiện tốt mục tiêu xóa đói, giảm nghèo mà địa phương đề ra.

Theo VN Business