Những mùa cam ‘vàng’ trong các khu vườn VietGAP
Để phát triển bền vững, thời gian qua, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã chủ động hỗ trợ hình thành các mô hình trồng cam bù chủ lực của địa phương theo chuỗi giá trị, với sự tham gia của nhiều HTX, tổ hợp tác và doanh nghiệp liên kết.
Cam bù được trồng nhiều tại Hương Sơn từ những năm 1970. Diện tích cam bù toàn huyện hiện đạt trên 950 ha (trong tổng số hơn 2.100 ha cam các loại). Đặc biệt, các mô hình trồng cam đang được định hướng sản xuất theo hướng VietGAP, đem lại giá trị kinh tế vượt trội.
Cam vàng cho trái ngọt
HTX sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGAP Trường Mai đang là một trong những điểm sáng trong phát triển mô hình trồng cam bù theo hướng VietGAP, trở thành điểm tựa trong xóa đói, giảm nghèo, làm giàu bền vững cho các hộ nông dân tại hai xã Sơn Mai và Sơn Trường.
Ông Nguyễn Văn Hạnh, Giám đốc HTX, cho biết với xuất phát điểm là những vườn cam ngon, chủ vườn ở Hương Sơn có ý thức cao trong việc chăm sóc, bảo vệ, phát triển loài cây đặc sản này nên khi xây dựng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, các thành viên đã dễ dàng tiếp cận và triển khai.
Nhờ sản xuất VietGAP, cam bù cho giá trị cao. Bà Lê Thị Lý, xã Sơn Trường, cho biết những năm qua, cây cam là cây xóa nghèo, làm giàu cho người dân Hương Sơn. Bình quân mỗi ha, cây cam cho giá trị 150 - 300 triệu đồng. Cả xã Sơn Trường hiện có trên 600 hộ trồng cam.
Cam đang là cây xóa đói giảm nghèo tại nhiều địa phương. |
“Năm 2023, cây cam vụ Tết Nguyên đán không được mùa, giá cũng không cao như kỳ vọng. Nhưng sản xuất thì lúc được lúc mất, không thể lúc nào cũng thắng. Dù thế nào, cây cam vẫn là cây hy vọng của chúng tôi. Như năm 2022, nhà tôi với hơn 100 gốc cam bù, thu về hơn 150 triệu đồng. Hy vọng vụ tới, sau cơn mưa, trời lại sáng”, bà Lý chia sẻ.
Không chỉ ở Hương Sơn, cam cũng đang là cây kinh tế chủ lực của nhiều địa phương khác trên cả nước. Điển hình như tại Hà Giang, cam sành và cam vàng là 2 loại cây ăn quả chủ lực của tỉnh, được trồng tập trung tại 3 huyện: Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên.
Niên vụ 2022 - 2023, cây cam ở huyện Bắc Quang được mùa được giá. Tại vùng cam xã Vĩnh Hảo, sản lượng thu hoạch ước đạt gần 5.000 tấn. Mùa cam năm 2023 ở Vĩnh Hảo đang thực sự trở thành mùa quả ngọt đối với nhà nông.
Tương tự tại xã Vĩnh Phúc (Bắc Quang) hiện có 1.784 hộ trồng cam, chiếm 3/4 số hộ toàn xã. Diện tích cam đang được thâm canh cho thu hoạch chiếm tới 3/4 diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Nhiều năm qua, cam ở Vĩnh Phúc đạt doanh thu 180 - 500 triệu đồng/ha.
Kể từ năm 2019 đến nay, người dân Vĩnh Phúc tham gia vào HTX, Tổ hợp tác để sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Toàn bộ diện tích trồng, thâm canh cam được chuyển đổi canh tác tuần hoàn đạt tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ.
Đáng chú ý, phần lớn các sản phẩm cam làm ra đều được tiêu thụ thông qua các HTX, Tổ hợp tác. Hình thức tiêu thụ cam cũng đa dạng. Trong đó, cam bán trên các sàn giao dịch điện tử, hoặc bán vào các siêu thị, các chợ đầu mối ở Gia Lâm, Hà Đông (Hà Nội), Hải Phòng, Bắc Ninh, Vinh (Nghệ An)...
Cần hướng đi bền vững
Kể đến những “mùa vàng” từ cây cam cũng không thể quên Cao Phong (Hòa Bình). Đến nay, sản phẩm cam Cao Phong với quy trình sản xuất tiêu chuẩn, chất lượng vượt trội đã đủ điều kiện để xuất khẩu sang thị trường châu Âu, đồng thời tự tin vươn tới mọi thị trường khó tính.
Đầu năm 2023, chuyến hàng cam Cao Phong đầu tiên đã được xuất sang thị trường Vương Quốc Anh. Đây được xem là sự kiện đánh dấu sau hơn 40 năm, trái cam Cao Phong vươn ra thị trường thế giới.
Trong hành trình xây dựng và phát triển thương hiệu cam, bưởi phải kể đến vai trò tiên phong của các HTX khi đóng vai trò tiên phong áp dụng khoa học - công nghệ nhằm nâng cao chất lượng, cải thiện mẫu mã sản phẩm, tích cực liên kết với doanh nghiệp nhằm nâng tầm thương hiệu sản phẩm.
Những tên tuổi HTX nổi bật có thể kể đến như Hà Phong, Mạnh Khoa, 3T nông sản Cao Phong… Song song với ứng dụng khoa học - kỹ thuật, nâng cao chất lượng quả cam, các HTX đã thúc đẩy liên kết với doanh nghiệp, tăng cường chế biến sâu với các sản phẩm như nước cam, mứt cam, rượu cam.
Chị Vũ Thị Lệ Thủy, Giám đốc HTX 3T nông sản Cao Phong, chia sẻ đến nay, 3T farm có trên 20 ha đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Sản lượng cam của HTX niên vụ 2022 - 2023 ước đạt 300 tấn.
Để nâng cao giá trị sản xuất, HTX đang tổ chức cho du khách đến tham quan, trải nghiệm vườn cam. Năm 2022, HTX ra mắt loạt sản phẩm chế biến từ cam như trà cam, rượu cam, mứt cam, bột cam cốm.
Có thể thấy, cây cam VietGAP đang là chìa khóa xóa đói giảm nghèo, làm giàu cho người dân tại nhiều địa phương, trong đó các HTX, Tổ hợp tác là những đầu tàu dẫn dắt, liên kết, hỗ trợ sản xuất rất đắc lực.
Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh những điểm sáng, việc phát triển các vùng trồng cam quy mô lớn hiện nay vẫn còn những hạn chế. Số lượng HTX còn ít, cần phải có cơ chế nhân rộng thêm. Khả năng áp dụng khoa học kỹ thuật chưa mạnh.
Đặc biệt, các chuỗi liên kết người dân, HTX, doanh nghiệp tại các vùng trồng cam còn chưa thực sự chặt chẽ. Kết quả là khả năng kết nối thị trường, tiếp cận người tiêu dùng chưa ổn định.
Vì vậy, trong thời gian tới, các địa phương có thế mạnh cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP đến các chủ thể kinh tế, hỗ trợ các chủ thể xây dựng kế hoạch kinh doanh. Định hướng nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản, sản phẩm chế biến từ cam đáp ứng tiêu chuẩn ở nhiều thị trường khác nhau.
Đồng thời, cần có chủ trương phát triển sản phẩm, dịch vụ phải đi liền với phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp như HTX, tổ hợp tác để kích thích quá trình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, tăng cường công tác quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Theo VN Business