Những 'nông dân công nghệ' làm giàu từ rau củ quả sạch

lmhtx.khanhhoa.gov.vn ── [ In trang Thứ sáu, 22/11/2024 ]

Trên mảnh ruộng hơn 500m2, mỗi ngày 2 lần, bà Nguyễn Thị Miều, thành viên HTX rau an toàn Túy Loan (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) bật hệ thống tưới tự động. Nhờ có công nghệ, nhiều năm qua, gia đình bà Miều “sống khỏe” với các loại nông sản sạch.  

HTX rau Túy Loan sau hơn 10 năm ra đời và phát triển đang là một trong những điểm sáng trong liên kết người nông dân làm nông nghiệp hiện đại, giá trị cao, được TP. Đà Nẵng dành nhiều nguồn lực hỗ trợ đầu tư về công nghệ cũng như nguồn vốn trong quá trình hoạt động.

Làm nông nghiệp hiện đại

Bà Nguyễn Thị Miều là một trong gần 50 lao động được hưởng lợi từ HTX Túy Loan. Nếu trước đây chỉ làm tự phát, thì sau khi vào HTX, bà Miều được tạo điều kiện thuê đất để trồng rau theo quy trình VietGap, tập huấn dùng phân bón, thuốc trừ sâu hữu cơ.

Hiện, 100% diện tích sản xuất của gia đình bà Miều được trang bị hệ thống giàn lưới, tưới tự động hiện đại... Mọi thứ được HTX hỗ trợ đầu tư, sản phẩm rau, củ, quả cũng được hỗ trợ bao tiêu, nên mô hình hoạt động ổn định, thu nhập bình quân 50-70 triệu đồng/năm.

Ông Bùi Dũng, Giám đốc HTX Túy Loan, cho biết đến nay HTX có hơn 40 thành viên sản xuất trên tổng diện tích gần 10 ha. HTX đã tiến hành cho thành viên sản xuất rau theo hướng hữu cơ, VietGap, PGS rau quả các loại, bình quân đạt 250 tấn/năm, đáp ứng nhu cầu của khách hàng lớn.

Nhiều nông dân ở Đà Nẵng đang trở thành những \"nông dân công nghệ\", thu nhập tiền tỷ.

Nhờ chất lượng vượt trội, sản phẩm của HTX rau Túy Loan đang được phân phối vào hơn 20 cửa hàng, siêu thị trên toàn địa bàn TP. Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, trong đó có các đối tác lớn là tập đoàn, trường học như Winmart, Bà Nà Hills, Siêu thị dệt may Hòa Thọ, trường Sky-line...

\"Để vào các siêu thị lớn, uy tín, HTX kết hợp cùng sở ngành chức năng từng bước nâng cấp mẫu mã thương hiệu về nhãn mác, bao bì, gắn tem truy xuất nguồn gốc QR-Code. Từ đó từng bước gây dựng sự chuyên nghiệp và niềm tin cho người tiêu dùng\", ông Dũng nói.

Tương tự, nhiều năm qua, mô hình trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP của ông Nguyễn Mạnh Thắng, Giám đốc HTX rau hoa củ quả Hòa Vang, xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang mang lại hiệu quả kinh tế hàng tỷ đồng mỗi năm, tạo việc làm cho hàng chục lao động thu nhập 5-7 triệu đồng/người/tháng.

Cách đây hơn 6 năm, ông Thắng đầu tư hơn 2 tỷ đồng, phá bỏ 1 ha cây keo, san ủi mặt bằng, lắp đặt lồng kính, thiết bị phun sương, mua sắm thiết bị trồng rau công nghệ cao. Hiện, mô hình sản xuất có diện tích hơn 20.000m2, chủ yếu trồng các loại rau như cải ngọt, xà lách, khổ qua, dưa leo...

Tiếp lực cho công nghệ cao

HTX rau an toàn Túy Loan hay HTX rau hoa củ quả Hòa Vang là hai trong rất nhiều mô hình điểm trong quá trình thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại ở Đà Nẵng thời gian qua.

Đến nay, toàn thành phố có gần 20 ha trồng rau, hoa tại vùng chuyên canh đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà kính, ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến; 20 cánh đồng sản xuất lúa hữu cơ với diện tích 345ha… Thành phố hiện cũng có 40 sản phẩm được đánh giá, phân hạng OCOP, với 17 sản phẩm 4 sao, 23 sản phẩm 3 sao.

Trong bối cảnh đô thị hóa tại Đà Nẵng ngày càng khiến diện tích nông nghiệp bị thu hẹp, phát triển nông nghiệp công nghệ cao được đánh giá là xu hướng tất yếu, giúp người nông dân nâng cao thu nhập.

Theo đó, để phát triển nông nghiệp bền vững, đặc biệt là nông nghiệp đô thị, những năm qua, ngành nông nghiệp TP.Đà Nẵng đã đẩy mạnh liên kết “4 nhà”. Trong đó, Nhà nước với vai trò ban hành chính sách ưu tiên, đặc thù để hỗ trợ nông dân có điều kiện sản xuất.

Tiếp đến, các nhà khoa học chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, tạo các giống chất lượng cao, kỹ thuật chăm sóc hiệu quả. Cộng đồng HTX, doanh nghiệp hỗ trợ về đầu tư, sản xuất, kết nối thương mại, tiệu thụ, phát triển nhãn hiệu sản phẩm.

Hoạt động của “3 nhà” sẽ hướng tới mục tiêu giúp “nhà nông” được đào tạo bài bản, nâng cao kiến thức chuyên sâu trong lĩnh vực, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất, mang lại giá trị kinh tế vượt trội hơn.

Đáng chú ý, cuối năm 2022 vừa qua, TP.Đà Nẵng đã ban hành văn bản triển khai các nhiệm vụ về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên toàn địa bàn.

Trong đó, chú trọng phối hợp, hỗ trợ UBND huyện Hòa Vang nghiên cứu phương án tổ chức sản xuất đối với các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được quy hoạch chi tiết, sớm triển khai đầu tư 2 vùng sản xuất các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Hòa Phú và các xã Hòa Khương - Hòa Phong. 

Theo đại diện Sở NN&PTNT Đà Nẵng, để phát triển nông nghiệp đô thị bền vững, thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện một số giải pháp về quy hoạch đầu tư hạ tầng, phát triển các mô hình nông nghiệp nội đô, triển khai hiệu quả các chính sách khuyến khích HTX, doanh nghiệp, nông dân đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động sản xuất, hướng đến các mô hình công nghệ hoạt động sản xuất thân thiện với môi trường, tổ chức sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP, ứng dụng công nghệ sinh học.

Ngoài ra, thành phố sẽ triển khai các giải pháp về đào tạo và thu hút nguồn nhân lực, tổ chức sản xuất, liên kết chuỗi cung ứng nông sản, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, xây dựng nhãn hiệu, đặc biệt chú trọng đến các sản phẩm của chương trình OCOP…

Theo VN Business