Nông dân cù lao Tân Phú Đông khát khao thoát nghèo với cây sả
Ở vùng đất nhiễm mặn như huyện cù lao Tân Phú Đông (tỉnh Tiền Giang) trước đây chỉ trồng được 1 vụ lúa/năm, đời sống người trồng lúa bấp bênh. Với lòng khát khao thoát nghèo và phát huy được vai trò của HTX trong xây dựng chuỗi liên kết, các nông dân ở đây đang chuyển sang trồng cây sả cho hiệu quả kinh tế cao hơn, qua đó giúp đời sống ngày càng nâng lên.
Cây sả giờ là cây trồng chủ lực ở xã Phú Thạnh với diện tích lên đến 1.800 ha. Tuy nhiên, nhiều năm trước, đầu ra cây sả không ổn định, có lúc xuống mức rất thấp khiến người trồng thua lỗ, không thoát khỏi cảnh nghèo khó.
Phát huy vai trò của HTX
Chính vì vậy, để tạo đầu ra ổn định cũng như nâng cao chuỗi giá trị cho cây sả, 3 năm trước, HTX Cây sả Tân Phú Đông đã ra đời ở xã Phú Thạnh với mục tiêu liên kết các hộ dân trồng sả tại địa phương, tìm kiếm đầu ra giúp thành viên an tâm sản xuất theo hướng an toàn sinh học.
Tham gia vào HTX Cây sả Tân Phú Đông giúp các nông dân an tâm sản xuất và có lợi nhuận cao hơn. |
Lúc mới thành lập, HTX chỉ có 28 thành viên, nhưng đến nay, nhờ hoạt động hiệu quả nên đã thu hút 64 thành viên tham gia với diện tích sản xuất khoảng 50 ha. Trong quá trình hoạt động, HTX đã nỗ lực tìm kiếm thị trường, ký kết hợp đồng cung ứng sả với một số HTX, đơn vị trên địa bàn tỉnh và các tỉnh, thành lân cận.
Khi tìm được hợp đồng cung ứng, HTX sẽ rà soát trong thành viên, hộ nào có sả đến lứa thu hoạch sẽ tiến hành thu mua. HTX thu mua cao hơn bên ngoài thị trường từ 100 - 200 đồng/kg.
Giám đốc Lê Văn Tốt cho biết trong thời gian tới, HTX Cây sả Tân Phú Đông sẽ nỗ lực, tích cực tìm đầu ra cho cây sả để thành viên an tâm sản xuất và có lợi nhuận cao hơn. Ngoài việc tiêu thụ nội địa, HTX còn liên kết với các đơn vị khác để xuất khẩu cây sả, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm chủ lực của địa phương.
Gia đình ông Tốt đã chuyển đổi 2 ha đất trồng lúa thu nhập bấp bênh sang trồng chuyên canh cây sả. Mỗi năm, gia đình ông đạt sản lượng 75 tấn sả thương phẩm, với giá bán 5.000 đồng/kg, đạt doanh thu trên 370 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi ròng trên 150 triệu đồng. Có thể thấy, nhờ cây sả, gia đình ông đã vươn lên làm giàu, trở thành điển hình nông dân sản xuất – kinh doanh giỏi tiêu biểu tỉnh Tiền Giang.
Theo ông Tốt, HTX sẽ tiếp tục tìm kiếm đối tác để kết nối xuất khẩu sả sang nước ngoài, đặc biệt là thị trường Nhật Bản. Để thực hiện được mục tiêu này, HTX sẽ hỗ trợ cho thành viên cải tạo đất, trồng sả theo quy trình phù hợp để xuất khẩu sang các nước châu Á.
Để phát triển bền vững và đẩy mạnh tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, định hướng của HTX Cây sả Tân Phú Đông là hướng cho người trồng sả sản xuất theo các điều kiện tiêu chuẩn sạch như: VietGAP, GlobalGAP. Ngoài ra, để tận dụng phế phẩm từ lá sả, HTX đã liên kết với một nhà máy chiết xuất tinh dầu sả ở địa phương để thu mua lá sả cho bà con với sản lượng trên 10 tấn/ngày.
Xây dựng chuỗi liên kết ổn định cho cây sả
Là một nông dân ở xã Phú Thạnh, gia đình chị Đào Thị Diễm Thúy trước đây trồng chuối, sau đó chuyển sang trồng sả thấy cây này thích nghi tốt. Nhờ tham gia HTX giúp gia đình có cuộc sống ổn định khi trồng được 2ha sả. Nhất là trong mùa khô, cây sả có giá bán cao gấp đôi so với mùa mưa. Giá bán khoảng 5.000 đồng/kg là có lãi.
Có những thời điểm, giá sả ở mức cao 7.000 - 7.200 đồng/kg, mỗi ha trồng cây sả đạt tổng thu 70 - 80 triệu đồng, trừ chi phí, nông dân trồng sả ở Phú Thạnh còn lãi khoảng 50 triệu đồng.
Thời gian qua, không chỉ với xã Phú Thạnh, các xã khác trong huyện Tân Phú Đông đã mạnh dạn chuyển đổi từ sản xuất 1 vụ lúa năng suất thấp sang trồng cây sả cho hiệu quả kinh tế cao hơn.
Việc chuyển đổi này hoàn toàn hợp lý khi mà các xã ở huyện cù lao Tân Phú Đông mỗi năm có 6 tháng nhiễm mặn, hạn hán gây thiếu nước tưới trầm trọng nên bà con chỉ trồng được 1 vụ lúa/năm, năng suất chỉ đạt 30 - 40 tạ/ha, những tháng mùa khô phải bỏ hoang. Tính đến nay, toàn huyện đã hình thành vùng chuyên canh trồng cây sả khoảng 2.800 ha trên nền đất lúa 1 vụ nhiễm mặn, thu nhập bấp bênh trước đây.
Đặc biệt, việc thực hiện Đề án “Cắt vụ, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ và cơ cấu cây trồng huyện đến năm 2025” gần như chỉ tập trung trong vùng Dự án Phú Thạnh - Phú Đông. Kết quả đến đầu năm 2023, toàn vùng đã chuyển đổi tổng cộng hơn 3.200 ha lúa sang trồng sả, rau màu và cây ăn trái các loại (trong vùng gần như không còn diện tích sản xuất lúa).
Phấn khởi hơn, cây sả được xem là cây màu chủ lực trong vùng dự án, đang có giá ổn định ở mức bình quân 4.000 - 5.000 đồng/kg, nên nông dân có thu nhập khá.
Bên cạnh cây sả, các loại rau màu thực phẩm cũng phát triển tốt trong vùng dự án. Ngành nông nghiệp huyện Tân Phú Đông vận động, hướng dẫn nông dân trong vùng mạnh dạn ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, với cơ cấu cây trồng và lịch thời vụ thích hợp, ứng phó với hạn, mặn vừa nâng cao hiệu quả kinh tế, vừa thay đổi tập quán sản xuất của nông dân.
Để tạo đầu ra ổn định cho cây sả, trong thời gian tới, huyện Tân Phú Đông sẽ tập trung phát triển kinh tế tập thể, trong đó vai trò của các HTX rất quan trọng. Điển hình như việc địa phương đang hỗ trợ HTX Cây sả Tân Phú Đông xây dựng dự án chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ cây sả.
Tuy nhiên, để khắc phục tình trạng “cung vượt cầu” xảy ra đối với cây sả, chính quyền địa phương tuyên truyền vận động, hướng dẫn nông dân trồng sả theo vùng quy hoạch và xây dựng chuỗi liên kết ổn định hơn.
Cần nhắc thêm, cách đây 4 năm, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã trao Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Sả Tân Phú Đông” nhằm giúp nâng cao sức cạnh tranh cho loại cây trồng dược liệu đặc sản này. Tin rằng với thương hiệu của cây sả ở địa phương ngày càng vươn xa sẽ giúp nông dân Tân Phú Đông vươn lên thoát nghèo và làm giàu.
Theo VN Business