Trồng chè sinh thái 'hái ra tiền'

lmhtx.khanhhoa.gov.vn ── [ In trang Thứ sáu, 22/11/2024 ]

Trên nương chè rộng hơn 0,3ha, cứ khoảng 7 ngày, bà Nịnh Thị Phấn, xã Phú Đô (Phú Lương, Thái Nguyên) lại đi thu hái để bán cho HTX Phú Nam 1. Nhờ những thay đổi trong sản xuất, nương chè của gia đình bà những năm qua cho thu nhập ổn định, bình quân 30-40 triệu đồng/năm.

Phú Đô là một trong những xã có diện tích trồng chè lớn nhất ở Thái Nguyên - vùng đất được mệnh danh là “xứ đệ nhất danh trà”. Thời gian qua, chè đang là cây trồng mũi nhọn trong xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Cây chè thành cây làm giàu

Bắt đầu từ năm 2010, được sự định hướng của cơ quan chức năng cùng sự hỗ trợ của các HTX, tổ hợp tác, người dân Phú Đô đã mạnh dạn chuyển đổi các diện tích đất trồng những cây khác kém hiệu quả sang trồng cây chè theo hướng chất lượng cao.

Theo thống kê, trên 90% hộ dân ở Phú Đô đang trồng chè và có thu nhập từ cây chè. Các gia đình được hướng dẫn cải tạo đất và sở hữu ít nhất 2 - 3 sào đất trồng chè hữu cơ, VietGAP. Ngoài ra, người dân cũng rất chủ động nắm bắt thị trường, tích cực áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất.

Bà Nịnh Thị Phấn chia sẻ, gia đình bà và các hộ trồng chè trong xóm trước đây trồng giống chè hạt trên đồi. Nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, các hộ sản xuất được hỗ trợ, hướng dẫn trồng chè cành năng suất cao xuống ruộng một lúa và đất mầu, trong khi diện tích chè đồi được chuyển sang trồng rừng.

Cây chè VietGAP đang trở thành cây xóa nghèo, làm giàu ở Phú Đô. 

“Chè cành sau hai năm xuống giống đã được hái lứa đầu tiền, các năm sau năng suất cao dần lên. HTX hỗ trợ bao tiêu 50-70%, còn lại thương lái đến tận nhà thu mua chè tươi, chúng tôi không phải lo mang đi bán như trước đây. Đời sống theo đó cũng ngày càng được nâng lên, không còn đói kém”, bà Phấn thổ lộ.

Theo tính toán, một sào lúa 2 vụ nếu làm tốt cho thu trên 4 tạ thóc/năm, giá trị khoảng 3 triệu đồng, chưa trừ chi phí. Cùng trên diện tích trên, chè có thể cho thu gần 5 tạ chè tươi, thu 15 triệu đồng/năm, tăng gấp 5 lần so với trồng lúa. Đây cũng là lý do để lý giải tại sao diện tích đất trồng chè được tăng hằng năm và cây chè lại bền bỉ gắn bó với người dân ở Phú Đô.

Đáng chú ý, để phát triển cây chè theo hướng bền vững, những năm qua, xã Phú Đô đã chủ động phát huy vai trò của các HTX, tổ hợp tác trong quá trình liên kết, hỗ trợ nông dân trong quá trình canh tác, tiêu thụ sản phẩm.

Một trong những điển hình có thể kể đến HTX Nông nghiệp - Thương mại - Dịch vụ Saemaul Phú Nam 1 đang liên kết, nâng cao năng lực sản xuất cho các hộ trồng chè, hình thành liên kết với các doanh nghiệp, đối tác tiêu thụ, hướng tới hình thành chuỗi giá trị gia tăng, nâng tầm thương hiệu sản phẩm.

Hướng tới du lịch sinh thái

5 năm qua, HTX Saemaul Phú Nam 1 đã được đầu tư 14 tỷ đồng phát triển cơ sở hạ tầng, mở rộng diện tích trồng chè, xây dựng giàn phun nước tưới, nhà văn hóa xóm, phòng làm việc của HTX, hệ thống cân điện tử và máy hút chân không.

Trong đó, khu chế biến chè tập trung của HTX cũng đã được hoàn thiện và tiếp nhận sản phẩm của bà con thành viên. Khu nhà trưng bày và giới thiệu sản phẩm chè trị giá 2,6 tỷ đồng đã mở cửa đón các đoàn khách trong nước và quốc tế cùng mọi người tới tham quan, thưởng trà.

Giám đốc Nguyễn Thị Hoàng cho hay, thời gian tới, bên cạnh việc tăng diện tích trồng chè mới,  HTX Saemaul Phú Nam 1 tập trung vận động và hướng dẫn các thành viên, hộ liên kết lựa chọn giống chè chất lượng cao, mở rộng diện tích trồng theo hướng hữu cơ, an toàn sinh thái.

Để có thể nâng cao sản lượng bao tiêu chè nguyên liệu cho bà con nông dân, HTX đã tích cực quảng bá, giới thiệu sản sản phẩm chè Phú Nam 1 bằng nhiều hình thức.

Bên cạnh tham gia hội chợ, lễ hội, lễ vinh danh làng nghề của huyện và tỉnh, HTX còn mang chè tham gia hội chợ tại Phú Xuyên (Hà Nội) và sang cả hội chợ tại Quảng Châu (Trung Quốc) bán giới thiệu, tìm kiếm khách hàng...

Theo đại diện phòng NN&PTNT huyện Phú Lương, việc thúc đẩy liên kết để thành lập các HTX, tổ hợp tác, nhóm hộ là một trong những động lực giúp cây chè phát huy hiệu quả kinh tế bền vững trên địa bàn xã Phú Đô.

Bên cạnh hiệu quả về kinh tế, kể từ năm 2017, nhờ sản xuất sạch, quy mô lớn, nhiều đồi chè trên địa bàn xã Phú Đô đã tạo thành cảnh quan tự nhiên \"nên thơ\", là điểm đến hấp dẫn khách du lịch.

Hiện tại, trên địa bàn xã đang bước đầu hình thành các khu homestay, nhà nghỉ dưỡng phục vụ khách du lịch. Bên cạnh dịch vụ lưu trú, các HTX, hộ trồng chè còn liên kết để khách có thêm nhiều hoạt động trải nghiệm như tự tay hái chè, thưởng thức chè sạch, thuê trang phục dân tộc để chụp ảnh...

Để phát huy thế mạnh du lịch cộng đồng, thời gian tới, xã Phú Đô đã nỗ lực thay đổi nhận thức, cách làm du lịch của người dân để vùng chè có thể thu hút nhiều hơn du khách, cũng như tìm đầu ra, quảng bá sản phẩm chè sạch an toàn đến với người tiêu dùng.

Xã cũng dự kiến đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá về tiềm năng, thế mạnh du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, giới thiệu mời gọi liên kết du lịch. Đồng thời, thực hiện tập huấn nghiệp vụ công tác du lịch, nấu ăn, pha chế cho các chủ hộ kinh doanh homestay…

Theo VN Business