Hết cảnh ‘ăn đong từng bữa’, nhiều nông dân Bắc Hà thành triệu phú nhờ trồng loại cây này

lmhtx.khanhhoa.gov.vn ── [ In trang Thứ sáu, 22/11/2024 ]

Thời gian qua, cây quế đã góp phần xoá đói giảm nghèo, đảm bảo xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp mang lại cuộc sống no ấm đủ đầy cho người dân huyện Bắc Hà (Lào Cai). Đặc biệt, nhiều bà con dân tộc thiểu số đã tham gia tổ hợp tác, HTX trồng quế theo phương thức hữu cơ, đem về thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Hiện, toàn huyện Bắc Hà (Lào Cai) có khoảng 8.600ha quế, trong đó diện tích đến thời kỳ thu hoạch hơn 4.000 ha, quế tập trung ở các xã khu vực 12 xã hạ huyện, chủ yếu là xã Nậm Đét, Nậm Lúc, Cốc Lầu, Bản Cái, Cốc Ly...

Đổi thay cuộc sống của đồng bào

Xã Nậm Lúc là một trong những địa phương trồng quế nhiều nhất nhì của huyện Bắc Hà (Lào Cai) khi có tới 2.800 ha. Nậm Lúc tập trung phát triển cây quế hữu cơ, gắn với giao đất giao rừng cho nhân dân nhận khoanh nuôi, bảo vệ và trồng rừng. Mỗi năm, Nậm Lúc phấn đấu trồng mới trên 400 ha cây quế.

Cây quế đem lại cuộc sống ấm no cho nhiều đồng bào dân tộc thiểu số ở Bắc Hà (Lào Cai). 

Hiện trên địa bàn xã Nậm Lúc có 1 HTX và 13 tổ hợp tác trồng quế tại 10/10 thôn, với 451 thành viên. Hoạt động của HTX và tổ hợp tác góp phần hỗ trợ, thúc đẩy kinh tế hộ phát triển, giúp nhau giảm nghèo bền vững, phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, chủ động liên kết với doanh nghiệp thu mua sản phẩm cho người dân.

Thôn Nậm Kha 2, xã Nậm Lúc có 127 hộ với 591 khẩu, trong đó dân tộc Mông có 25 hộ, dân tộc Dao 71 hộ, còn lại là dân tộc Kinh. Đây cũng là điểm sáng phát triển kinh tế, giảm nghèo.

Ông Trương Văn Tim, Trưởng thôn Nậm Kha 2, xã Nậm Lúc cho biết: “Thời gian qua được Nhà nước quan tâm đầu tư, nhất là hỗ trợ giống quế và phân bón cho hộ nghèo có điều kiện vươn lên. Hiện trong thôn chủ yếu trồng cây quế hữu cơ là chủ lực giảm nghèo với diện tích hơn 200 ha đã và đang cho thu hoạch đem lại nguồn thu cao, ổn định cho nhân dân”.

Nhờ cây quế, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã năm 2022 đạt trên 38 triệu đồng/người/năm. Đây thực sự là thành tích đáng tự hào với Nậm Lúc và để có kết quả này, xã đã biết khai thác tiềm năng, thế mạnh từ cây quế.

Trong khi đó, đến xã Nậm Đét có 5 thôn thì 4 thôn toàn bộ các hộ đều có trồng quế. Hàng năm, cây quế mang lại nguồn thu rất lớn cho người dân trong xã. Riêng năm 2022, tổng số tiền thu được từ cây quế hơn 62 tỷ đồng. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người của xã năm 2022 là 42 triệu đồng/người/năm.

Trên địa bàn xã Nậm Đét đã không còn hộ đói, các hộ đều có thiết bị sinh hoạt đắt tiền, có hộ đã mua được ô tô, có tiền gửi tiết kiệm… Trên 70% số hộ đã có nhà kiên cố, nhà mái bằng khang trang.

Thêm ấm no nhờ quế hữu cơ

Đáng chú ý, bà con dân tộc ở huyện Bắc Hà đang nâng cao giá trị cây quế nhờ trồng theo phương thức hữu cơ. Một trong những mô hình sản xuất điển hình là HTX Quế hữu cơ Nậm Đét (xã Nậm Đét).

Ông Triệu Phúc Vầy, Giám đốc HTX cho biết, HTX được thành lập từ năm 2018 với 7 thành viên. Tổng diện tích quế của HTX là 120ha, ngoài ra, HTX còn liên kết với 150 hộ trên địa bàn xã với diện tích gần 1.800ha. Sản lượng quế trung bình hàng năm loại khô khoảng 300 - 500 tấn; loại tươi 1.000 - 1.500 tấn.

Được biết, giá bán quế hữu cơ cao hơn 20% so với quế được trồng thông thường. Trung bình, 1ha quế sẽ thu về gần 800 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, mỗi hộ có thu nhập trung bình hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Ông Triệu Phúc Vầy cho hay, hầu hết các hộ trồng quế trong thôn được cấp chứng nhận hộ nông dân sinh thái của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA ORGANIC). Hiện, HTX triển khai về kỹ thuật trồng, chăm sóc, quản lý theo một quy trình thống nhất. Trong đó, một yếu tố then chốt để canh tác hữu cơ thành công là không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và không dùng phân bón hóa học.

Theo bà Chu Thị Dương, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Hà, với diện tích quế lớn, năng suất, chất lượng quế ổn định, Bắc Hà có tiềm năng lớn trong phát triển chuỗi giá trị ngành hàng quế. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, việc phát triển chuỗi giá trị quế còn một số khó khăn, đó là: Diện tích quế phát triển nhanh nhưng chưa theo quy hoạch; người dân ở một số địa phương trồng ra ngoài vùng sinh thái.

Điều này dẫn đến quế phát triển chậm, hiệu quả không cao; chất lượng, giá trị sản phẩm quế chưa cao do chưa có cơ sở, dây chuyền công nghệ chế biến sản phẩm tinh; mẫu mã sản phẩm quế chưa đạt tiêu chuẩn, chưa đáp ứng nhu cầu thị trường, đặc biệt là thị trường nước ngoài; thị trường tiêu thụ sản phẩm quế còn hạn hẹp...

Vì vậy, huyện Bắc Hà đã chỉ đạo các ngành trong khối nông - lâm nghiệp phối hợp với các đơn vị, HTX, xã tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân trong việc trồng, chăm sóc và tiêu thụ sản phẩm quế, mục tiêu đến năm 2025 phát triển vùng nguyên liệu quế đạt trên 12.000 ha.

Đồng thời, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, HTX liên kết đầu tư vào sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm quế trên địa bàn theo hướng bền vững. Đặc biệt, đẩy mạnh sản xuất, chế biến sản phẩm quế đạt chứng nhận hữu cơ, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm.

Theo VN Business