Nâng cao hiệu quả của các hợp tác xã

lmhtx.khanhhoa.gov.vn ── [ In trang Thứ hai, 05/5/2025 ]

Kể từ khi có Luật Hợp tác xã năm 2012, hoạt động của nhiều hợp tác xã có sự thay đổi, phát huy hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều hợp tác xã hoạt động khó khăn. Vậy đâu là điểm nghẽn và giải pháp nào tháo gỡ những điểm nghẽn ấy để các hợp tác xã phát triển mạnh hơn? Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân xung quanh vấn đề này. Sau đây là nội dung trao đổi của ông Nguyễn Ngọc Bảo.

Những khó khăn của các hợp tác xã hiện nay

Hiện nay, nhiều hợp tác xã gặp khó khăn về tiếp cận vốn. Trước hết là do quy mô các hợp tác xã còn hạn chế, tài chính một số hợp tác xã cũng chưa được minh bạch, khả năng quản trị sản xuất kinh doanh của hợp tác xã hạn chế. Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đang tập trung hỗ trợ các hợp tác xã nâng cao khả năng quản trị; xây dựng hệ thống kiểm soát hợp tác xã để nâng cao tính minh bạch trong hoạt động; hỗ trợ các hợp tác xã xây dựng phương án khai thác lợi thế, tiềm năng một cách khả thi. Đặc biệt, hỗ trợ các hợp tác xã tham gia các chuỗi để có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm ổn định, liên kết giữa các hợp tác xã với các doanh nghiệp, từ đó bảo đảm hiệu quả sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện cho ngân hàng, quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã, thu hút các nguồn lực từ doanh nghiệp và thị trường trong, ngoài nước.

NNBao.jpg (8 KB)Ông Nguyễn Ngọc Bảo

Biện pháp giải quyết bài toán khó khăn về vốn (là một trong những khó khăn của các hợp tác xã hiện nay).

Tổng số vốn điều lệ của các hợp tác xã hiện vào khoảng 34.000 tỷ đồng, tổng tài sản của các hợp tác xã hiện xấp xỉ 80.000 tỷ đồng. Theo tính toán, cứ một đồng vốn điều lệ của hợp tác xã thu hút được gần 3 đồng vốn của thị trường (vốn của thành viên, vốn tín dụng, vốn từ quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã, vốn từ ngân hàng…). Vấn đề vốn vẫn là điểm nghẽn, khó khăn lớn nhất của các hợp tác xã. Nếu như không giải quyết được vấn đề vốn sẽ không thể phát triển sản xuất kinh doanh, sẽ không có sự chuyển đổi tổ chức sản xuất theo mô hình chuỗi, sẽ không có sự tăng trưởng và phát triển bền vững. Chúng tôi đã nhìn thấy điểm yếu này và đang tham mưu cho Chính phủ cũng như các bộ, ngành, địa phương, rồi bằng nguồn lực của Liên minh Hợp tác xã, bằng cách làm để tham gia giải quyết trong thời gian sớm nhất. 

Liên minh hợp tác xã Việt Nam sẽ có giải pháp cụ thể để thu hút nguồn vốn cho các hợp tác xã.

Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đang phối hợp với Bộ Tài chính để tham gia công tác đổi mới cơ chế hoạt động quỹ hỗ trợ và phát triển hợp tác xã. Đồng thời, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đang xây dựng đề án kiểm toán cũng như các đề án khác để tạo điều kiện nâng cao công tác quản trị của các hợp tác xã. Vấn đề chính ở đây là phải nâng cao được khả năng quản trị của hợp tác xã, tăng vốn tự có của các hợp tác xã, tạo điều kiện để hợp tác xã thu hút vốn. Bản thân các hợp tác xã cũng phải có năng lực thu hút vốn. Cùng với đó, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam hợp tác với Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn và tới đây thêm một số ngân hàng nữa để tạo kết nối cung cầu về vốn cho các hợp tác xã.

Nông sản Việt Nam vẫn còn những hạn chế nhất định về chất lượng, thương hiệu, mặc dù Việt Nam là quốc gia về xuất khẩu nông sản. Trong thời gian tới, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam sẽ có các nỗ lực để góp phần hỗ trợ các hợp tác xã nông nghiệp nâng cao giá trị của nông sản.

Vệ sinh an toàn thực phẩm và thương hiệu là những vấn đề lớn đối với hàng nông sản Việt Nam. Liên minh hợp tác xã Việt Nam đang xây dựng đề án hỗ trợ các hợp tác xã trang bị kiến thức về tiêu chuẩn hàng hóa VietGAP, GlobalGAP; hỗ trợ về chỉ dẫn địa lý, xây dựng thương hiệu... để các sản phẩm nông sản của Việt Nam đáp ứng tốt những tiêu chuẩn phục vụ tiêu dùng thị trường nội địa cũng như yêu cầu xuất khẩu. 

 

                                                  Hạnh Đức (lược từ nguồn: vca.org.vn)