Chuyện làm nông nghiệp công nghệ cao ở Thủ Thừa
Nông nghiệp huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An thời gian qua đã có những bước tiến vượt bậc nhờ những thay đổi trong cách tiếp cận, hỗ trợ nông dân liên kết sản xuất theo chuỗi, ứng dụng hiệu quả khoa học – công nghệ, hình thành những HTX điển hình.
Sau gần 5 năm hoạt động, sự chủ động trong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đang giúp HTX nông nghiệp Mỹ Thạnh, xã Mỹ Thạnh gặt hái thành công lớn, với tổng diện tích sản xuất trên 40 ha các loại rau củ quả, trở thành điểm tựa cho hàng trăm hộ thành viên, nông dân liên kết.
Đưa nông sản lên “chợ mạng”
Để có được những thành công hiện tại, ngay từ khi thành lập, HTX đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật, hướng dẫn các thành viên áp dụng công nghệ cao trong sản xuất như xây dựng hệ thống nhà lưới, trang bị tưới tự động, sử dụng phân bón hữu cơ…
Những thay đổi trong tư duy sản xuất giúp thành viên HTX nâng cao năng suất từ 25 - 30%, chất lượng sản phẩm được nâng lên rõ rệt, thị trường tiêu thụ được đảm bảo và giá bán ngày càng cải thiện. Lợi nhuận bình quân của HTX hiện đạt 150 - 170 triệu đồng/ha/năm tùy loại cây.
Bên cạnh hoàn thiện sản xuất theo hướng hiện đại, thời gian qua, HTX Mỹ Thạnh còn chú trọng phát triển mua bán trên hệ thống sàn thương mại điện tử, góp phần nâng tầm thương hiệu, gia tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm nông sản của huyện.
Nông nghiệp công nghệ cao đang rất được chú trọng ở Thủ Thừa (Ảnh: Mộng Đào). |
Bà Lê Thị Hằng, Trưởng phòng Kinh doanh của HTX, cho hay để sản phẩm đứng vững trên sàn thương mại điện tử, HTX rất chú trọng đến chất lượng sản phẩm, từ giống thuần chủng, không biến đổi gen và sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Bên cạnh đó, HTX còn thực hiện quản lý nhật ký đồng ruộng trên phần mềm để nắm rõ hơn quá trình canh tác, bảo đảm sản phẩm theo đúng tiêu chuẩn quy định.
Hiện, HTX ứng dụng phần mềm quản lý nhật ký đồng ruộng giúp quản lý phân, thuốc mà nông dân sử dụng cũng như giống, thời gian gieo trồng, thu hoạch. Ngoài ra, khi những công ty đối tác cần thì HTX cũng có thể xuất dữ liệu kịp thời.
Cùng với đó, 100% sản phẩm của HTX được tạo mã vạch để truy xuất nguồn gốc, giúp người tiêu dùng tiếp cận thông tin chính xác, đồng thời tạo uy tín, chất lượng của từng sản phẩm.
Tháng 6/2022, HTX được Sở Công Thương giới thiệu, kết nối thực hiện trên 6 sàn thương mại điện tử, hiện hoạt động mạnh trên Sendo và Postmart. Mỗi ngày, HTX đưa ra thị trường bình quân 3-5 tấn rau, củ, quả. Riêng trên hệ thống Sendo, mỗi tháng, HTX đạt doanh thu khoảng 100 triệu đồng.
Tiếp tục thúc đẩy công nghệ cao
“Với chất lượng cao, sản phẩm nếp Thủ Thừa của HTX đang được UBND huyện chú trọng hỗ trợ về thương hiệu để vươn xa hơn. Hiện, HTX cũng đang xúc tiến nâng cao sản lượng nếp Thủ Thừa tiêu thụ trong các kênh siêu thị, nỗ lực đưa sản phẩm đạt sao OCOP”, bà Lê Thị Hằng chia sẻ.
Với những thành công hiện tại, HTX dự kiến sẽ tiếp tục đẩy mạnh kết nối thêm với nhiều hệ thống trên sàn thương mại điện tử, góp phần đưa sản phẩm nông nghiệp nói chung, nhãn hiệu nếp Thủ Thừa nói riêng trở thành những sản phẩm hàng đầu của người tiêu dùng.
Bên cạnh dấu ấn về xúc tiến thương mại, đưa nông sản lên “chợ mạng”, những đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng công nghệ cao trên địa bàn huyện Thủ Thừa cũng đang cho thấy hiệu quả cao.
Cụ thể, thực hiện Chương trình đột phá Đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Thủ Thừa đặt mục tiêu đến năm 2025, toàn huyện có ít nhất 2 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực.
Trong đó, kể từ năm 2021 đến nay, huyện thúc đẩy xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao trên cây mai vàng diện tích 0,5 ha, xã Long Thạnh; xây dựng 20 ha cây chanh ứng dụng công nghệ cao, xã Tân Thành; xây dựng 50ha cây lúa nếp ứng dụng công nghệ cao, xã Long Thuận và bò cái sinh sản có chất lượng cao từ F2 trở lên trên địa bàn huyện.
Bên cạnh đó, để người dân thuận lợi trong thực hiện nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, huyện tăng cường chuyển giao khoa học - kỹ thuật, tiếp tục hỗ trợ nhân rộng nhiều mô hình mới có hiệu quả trong sản xuất theo hướng an toàn sinh học.
Các cơ quan chức năng của huyện chủ động, kịp thời dự báo, dự tính tình hình thời tiết, tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, thực hiện cơ cấu giống hợp lý, khuyến khích, tạo điều kiện cho nông dân sử dụng giống kỹ thuật, giống xác nhận để từng bước nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.
Đồng thời, huyện cũng đang quan tâm tổ chức lại sản xuất theo hướng phát triển kinh tế hợp tác, HTX trong nông nghiệp, phát triển sản xuất nông sản theo chuỗi giá trị trên cơ sở thúc đẩy phát triển kinh tế gia trại, trang trại. Chú trọng việc xây dựng và phát huy hiệu quả mô hình điểm để tạo sự lan tỏa.
Đặc biệt, huyện tích cực củng cố, kiện toàn và từng bước nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ hợp tác, HTX hiện có và quan tâm xây dựng tổ hợp tác, HTX làm nòng cốt cho từng vùng, khu vực. Ngoài ra là chú trọng việc đầu tư hệ thống thủy lợi, đê bao phục vụ nhu cầu sản xuất và các đợt biến đổi khí hậu, khắc phục hạn, mặn, bảo đảm việc ngăn mặn, trữ ngọt.
Theo VN Business