Chuỗi liên kết chanh dây giúp bà con nông dân vươn lên làm giàu
Chỉ sau chưa đầy một năm xuống giống, gia đình anh Tũy ở làng Hlang, xã Hnol, huyện Đak Đoa đã thu về khoảng 100 triệu đồng từ bán quả chanh dây. Nhiều bà con nông dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai cũng rất phấn khởi vì có nguồn thu nhập ổn định từ loại cây trồng này, và đặc biệt là đồng thuận tham gia vào HTX sản xuất chanh dây để đạt hiệu quả cao hơn.
“Tháng 6/2022, tôi đầu tư 20 triệu đồng để trồng 200 cây chanh dây xen trong vườn cà phê. Mặc dù mới thu hoạch 2 đợt nhưng tôi đã bán được khoảng 100 triệu đồng. Năm nay, tôi sẽ mở rộng diện tích chanh dây để phát triển kinh tế gia đình”, anh Tũy nói.
“Đổi đời” với cây trồng mới
Tương tự như anh Tũy, anh Huik (làng Weh, xã Hà Bầu, huyện Đak Đoa) cho biết, trước đây, cuộc sống của gia đình anh phụ thuộc hoàn toàn vào việc sản xuất cà phê. Do vườn cây già cỗi nên năng suất thấp, trong khi giá cà phê sụt giảm khiến gia đình anh gặp rất nhiều khó khăn.
So với nhiều loại cây trồng khác, cây chanh dây đang cho thấy hiệu quả kinh tế cao. |
Năm 2022, để phát triển kinh tế, anh Huik đã tìm hiểu và nhập giống chanh dây của một doanh nghiệp trong tỉnh về trồng xen trong vườn cà phê. Đến nay, diện tích chanh dây của gia đình đã được mở rộng lên 6 sào. Chỉ sau 6 tháng xuống giống, chanh dây phát triển mạnh và cho thu hoạch.
“Hiện, hàng tháng, gia đình thu hoạch từ 5-6 tấn quả và bán cho một cơ sở tại địa phương với mức giá 14.000 đồng/kg. Nhờ chanh dây nên kinh tế của gia đình được cải thiện, tháng nào cũng có nguồn thu. Hiện nay, tôi tiếp tục trồng thêm 6 sào chanh dây để gia đình tăng thêm thu nhập”, anh Huik cho hay.
Theo ông Nguyễn Kim Anh, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đak Đoa, giá chanh dây trong mấy năm gần đây rất ổn định nên người dân trên địa bàn huyện đã tận dụng tối đa những diện tích tái canh cà phê để trồng xen canh. Ngoài ra, những diện tích không còn phù hợp với cây hồ tiêu cũng được người dân tận dụng chuyển sang trồng chanh dây. Cây chanh dây phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương nên cho năng suất cao, bình quân khoảng 40 tấn/ha. Thời điểm hiện tại, so với một số loại cây trồng khác, chanh dây đang cho thu nhập ở mức cao, nhiều hộ cũng giàu lên từ loại cây trồng này. Thống kê cho thấy, hiện nay diện tích trồng chanh dây trên địa bàn huyện trên 650 ha, so với năm ngoái tăng khoảng 100 ha.
Đại diện ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai cũng đánh giá, so với nhiều loại cây trồng khác, cây chanh dây đang cho thấy hiệu quả kinh tế cao. Ví dụ: 1 ha cà phê nếu chăm sóc tốt cho năng suất khoảng 4 tấn nhân, giá hiện nay 47.000-48.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí lãi 100-120 triệu đồng. Trong khi đó, 1 ha chanh dây cho năng suất khoảng 40 tấn, giá hiện nay 15.000 đồng/kg, trừ chí phí đầu tư khoảng 200 triệu đồng thì người trồng lãi 350-400 triệu đồng. Do vậy, tỉnh đã có nhiều giải pháp đồng bộ như ưu tiên quỹ đất, xây dựng quy trình canh tác hữu cơ, tưới tiết kiệm đến thu hoạch khoa học, bảo quản an toàn... cho cây chanh dây một cách bền vững.
Đặc biệt, các địa phương khuyến cáo người dân không nên vì lợi nhuận trước mắt mà ồ ạt mở rộng diện tích. Do việc sản xuất của người dân còn thiếu gắn kết chặt chẽ với các doanh nghiệp, cơ sở chế biến. Đa phần diện tích trồng chanh dây còn ở quy mô nông hộ, trồng xen cùng các loại cây khác hoặc tận dụng diện tích tái canh cây cà phê để trồng, do vậy chưa hình thành các vùng sản xuất có quy mô lớn theo hướng bền vững.
Tăng hiệu quả và phát triển bền vững
Hiện nay, HTX Sản xuất, thương mại, dịch vụ du lịch và nông nghiệp Ia Mơ Nông (xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh) liên kết với 260 hộ dân trên địa bàn các xã, thị trấn: Ia Ka, Ia Mơ Nông, Ia Nhin, Nghĩa Hòa, Hòa Phú, Ia Ly (huyện Chư Păh), Ia Yok, Ia Bă (huyện Ia Grai) canh tác khoảng 230 ha chanh dây.
Các hộ tham gia chuỗi liên kết được hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và thu mua sản phẩm với giá cao hơn thị trường. Năng suất chanh dây bình quân đạt trên 45 tấn/ha, được HTX thu mua với giá loại 1 (chanh Âu) hơn 30.000 đồng/kg, chanh loại 2 hơn 20.000 đồng/kg và chanh xô 15.000-17.000 đồng/kg.
“HTX đang liên kết tiêu thụ chanh dây với Công ty TNHH Quicornac và Công ty cổ phần Nafoods Group. Để nâng cao giá trị sản phẩm, HTX đã xây dựng 2 mã vùng trồng chanh dây xuất khẩu sang Trung Quốc”, Giám đốc Lê Văn Thanh thông tin.
Chị Đỗ Thị Mỹ Thơm, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Hùng Thơm Gia Lai (HTX Hùng Thơm Gia Lai, thôn Nhơn Tân, xã Đak Ta Ley, huyện Mang Yang) chia sẻ, trung bình mỗi tuần, hiện HTX xuất khẩu hơn 2 tấn chanh dây sang thị trường các nước như Pháp, Nga, Thụy Sỹ, Trung Quốc... Với giá xuất khẩu thời điểm hiện tại khoảng 60.000 đồng/kg, bình quân hằng năm, sau khi trừ chi phí, HTX thu lợi nhuận khoảng hơn 1,5 tỷ đồng.
Hiện tại, HTX Hùng Thơm Gia Lai đang liên kết với hơn 150 hộ dân trên địa bàn các huyện Mang Yang, Đăk Pơ, Kbang, Chư Prông… sản xuất hơn 300ha chanh dây. Trong đó, khoảng 80ha chanh dây đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Ngoài ra, HTX đã phối hợp với các công ty phân bón, giống cây trồng để tập huấn cho các thành viên về kỹ thuật trồng cây chanh dây, bón phân hợp lý, cam kết bảo đảm cây chanh dây phát triển ổn định, bền vững, kiểm soát những rủi ro về dịch bệnh trong quá trình sản xuất. Hiện nay, mỗi ha chanh dây có năng suất 45 - 60 tấn, với giá bán từ 18.000 – 40.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, các hộ dân liên kết có lợi nhuận 500 - 600 triệu đồng.
Để cây chanh dây phát triển bền vững, có đầu ra ổn định, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Gia Lai Nguyễn Thế Hùng nhấn mạnh, nhất thiết phải chú trọng khâu tổ chức kết nối giữa doanh nghiệp - HTX với nông dân từ khâu giống, tiêu thụ, chế biến và xuất khẩu. Đồng thời, Liên minh HTX tỉnh sẽ phối hợp cùng UBND các huyện, thị xã, thành phố và doanh nghiệp giới thiệu, lựa chọn những HTX, tổ hợp tác có thể liên kết sản xuất, tiêu thụ chanh dây với các doanh nghiệp.
Theo định hướng này, mới đây, Sở NN&PTNT, Liên minh HTX tỉnh và Công ty cổ phần Nafoods Group đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về phát triển chanh dây theo Đề án phát triển sản xuất rau, hoa và cây ăn quả trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2040.
Cụ thể, trong giai đoạn 2023-2026, các bên sẽ phối hợp tham vấn thành lập Hiệp hội chanh dây và rau quả tỉnh Gia Lai; xúc tiến xây dựng trung tâm kiểm nghiệm, xây dựng chỉ dẫn địa lý chanh dây Gia Lai; tư vấn, hướng dẫn về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất, chế biến chanh dây; quản lý chất lượng cây giống đối với các cơ sở sản xuất giống chanh dây trên địa bàn; xây dựng các mô hình khuyến nông về cây chanh dây; phối hợp tham mưu tổ chức lễ xuất lô hàng chanh dây chính ngạch đầu tiên sang thị trường Trung Quốc; tư vấn, vận động các HTX phát triển vùng nguyên liệu và hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ chanh dây trên địa bàn tỉnh.
Các bên cũng xúc tiến xây dựng Dự án “Ứng dụng công nghệ số hóa trong quản lý và phát triển chuỗi giá trị vùng trồng chanh dây gắn mô hình khuyến nông - HTX thông minh”; chủ động ký hợp đồng cung ứng giống, vật tư, hỗ trợ kỹ thuật và ứng dụng số hóa trong quản lý và phát triển vùng trồng, hợp đồng bao tiêu nông sản với các HTX, tổ hợp tác; xúc tiến xây dựng Trung tâm giống công nghệ cao…
Theo Nguyễn Tiến Dũng, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Nafoods Group, Công ty đang liên kết với 22 HTX, tổ hợp tác/859 hộ dân canh tác 1.091 ha chanh dây. Dự kiến trong năm 2023 và 2024, Công ty mở rộng diện tích liên kết lên gấp 3-4 lần so với hiện nay.
Đồng thời, Công ty sẽ sát cánh cùng tỉnh quy hoạch và phát triển tối thiểu 25.000 ha chanh dây theo chuỗi giá trị số hóa, xanh và bền vững gắn với công tác khuyến nông và HTX thông minh; xây dựng chanh dây Gia Lai trở thành thương hiệu chanh dây tím số 1 thế giới; đầu tư trung tâm nghiên cứu và sản xuất cây giống rau, hoa, quả công nghệ cao quy mô số 1 khu vực; xây dựng chuỗi nhà máy chế biến, đóng gói hoa, trái cây tươi xuất khẩu trên địa bàn tỉnh.
“Công ty sẽ đảm bảo cung cấp cây giống chất lượng, sạch bệnh, có kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước. Đồng thời, cử cán bộ xuống các HTX, tổ hợp tác hướng dẫn nông dân về kỹ thuật, tổ chức sản xuất theo đúng quy trình, đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hóa để chế biến, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu”, ông Dũng chia sẻ.
Theo VN Business