Để các hợp tác xã nông nghiệp phát triển
Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, tại kỳ họp thứ 5 tới đây (dự kiến khai mạc ngày 22/5), dự kiến Quốc hội khóa XV sẽ xem xét, thông qua dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).
Góp ý nhằm tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật trước khi Quốc hội xem xét, thông qua, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Anh (Đoàn Bắc Ninh) bày tỏ quan tâm lớn tới phát triển hợp tác xã (HTX) nông nghiệp.
Đại biểu nhấn mạnh, trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển kinh tế tập thể, HTX đóng vai trò quan trọng trong việc cơ cấu lại sản xuất, thúc đẩy nông nghiệp phát triển, nâng cao thu nhập và đời sống cho người nông dân theo đúng mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Anh (Đoàn Bắc Ninh). |
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước hiện nay có khoảng hơn 29.000 HTX, riêng các hợp tác xã nông nghiệp là khoảng hơn 19.400 hợp tác xã, chiếm khoảng 67% tổng số HTX cả nước. Các HTX nông nghiệp thu hút được khoảng 3,4 triệu thành viên (trong đó thành viên là hộ gia đình, chiếm tỷ lệ 84%, số thành viên còn lại là các thành phần khác như các cá nhân, tổ nhóm, doanh nghiệp). Như vậy, bình quân mỗi HTX nông nghiệp có 176 thành viên và HTX mới chỉ thu hút được khoảng 31% tổng số hộ nông lâm thủy sản cả nước (9,10 triệu hộ). Tổng số lao động thường xuyên trong HTX nông nghiệp khoảng 550 nghìn người (tăng 143 nghìn so với năm 2013).
Đại biểu cho rằng, số lượng chung của HTX nông nghiệp tăng nhanh 10 năm qua. Chất lượng hoạt động của các HTX cũng đã được cải thiện đáng kể. Đặc biệt nhiều mô hình mới xuất hiện trong đó hơn 4.000 HTX tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, trên 2.000 HTX nông nghiệp ứng dụng CNC, công nghệ số, gần 2.400 HTX nông nghiệp thành lập doanh nghiệp trong HTX, khoảng 150 HTX nông nghiệp hoạt động trực tiếp gia xuất nhập khẩu và khoảng 850 HTX là chủ thể tham gia sản xuất và sở hữu khoảng 40% sản phẩm OCOP cả nước. Mặc dù vậy, các HTX nông nghiệp hiện vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn.
Đại biểu chỉ rõ, quy mô thành viên và quy mô doanh thu nhỏ; năng lực quản lý và quản trị điều hành của cán bộ HTX còn hạn chế; hầu hết các hợp tác xã nông nghiệp đều thiếu vốn, tài sản, đất đai, đặc biệt là thiếu hạ tầng phục sản xuất kinh doanh nhất là các cơ sở sơ chế, bảo quản nông sản; lợi ích mang lại cho thành viên thấp, chưa thu hút được đông đảo hộ sản xuất nông, lâm, thủy sản tham gia HTX; tỷ lệ HTX nông nghiệp tham gia liên kết chuỗi giá trị, tổ chức tiêu thụ sản phẩm nông sản cho HTX chưa cao (khoảng 24%)…
Theo đại biểu, mô hình hoạt động của các HTX nông nghiệp có nhiều đặc thù khác biệt với các loại hình HTX trong các lĩnh vực khác như: Thành viên đa số là các hộ nông dân, quy mô, năng lực sản xuất còn hạn chế; lĩnh vực sản xuất kinh doanh nông nghiệp lợi nhuận thấp, chịu nhiều rủi ro nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu; HTX nông nghiệp phải đóng vai trò trung gian hỗ trợ hộ nông dân sản xuất kinh doanh và tham gia thị trường hiệu quả, thu hút được đông đảo hộ nông dân tham gia HTX; đặc biệt ngoài sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực nông lâm thủy sản, các HTX nông nghiệp còn phải tham gia cung cấp các dịch vụ công ích (tưới tiêu, bảo vệ môi trường, đào tạo, huấn luyện, tạo thêm việc làm cho bà con nông dân…).
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, phát huy vai trò của hợp tác xã nông nghiệp, đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh đề nghị Luật cần tạo điều kiện để HTX nông nghiệp thu hút nhiều đông đảo nông dân tham gia, mở rộng sản xuất kinh doanh, nâng cao giá trị gia tăng và thu nhập. Tránh việc hạn chế tỷ lệ cung ứng sản phẩm, dịch vụ của HTX ra bên ngoài; bảo đảm môi trường sản xuất, kinh doanh bình đẳng với doanh nghiệp, khuyến khích HTX mở rộng sản xuất, kinh doanh khi tham gia thị trường.
Đồng thời cần hỗ trợ các HTX nông nghiệp thực hiện hài hòa lợi ích của thành viên, lợi ích tập thể, cộng đồng nông thôn, coi trọng lợi ích chính trị, văn hoá, xã hội trên địa bàn. Cần phải có các quy định hỗ trợ về mặt kỹ thuật, khuyến khích và hỗ trợ tài chính của Nhà nước cho các HTX, đặc biệt là các HTX quy mô vừa và nhỏ chưa/không đủ năng lực; quan tâm hỗ trợ cho giáo dục và đào tạo các thành viên, đặc biệt là lãnh đạo HTX.
Cả nước có hơn 29 nghìn HTX, trong đó có hơn 19 nghìn HTX nông nghiệp. (Ảnh: PV) |
Bên cạnh đó cần chính sách hỗ trợ đặc thù để tạo điều kiện cho các HTX nông nghiệp khơi thông vốn tín dụng, tích lũy tài sản, huy động vốn nhàn rỗi trong các thành viên để phục vụ sản xuất kinh doanh của các HTX. Dự thảo Luật cần quy định cụ thể hơn việc việc vốn hóa các tài sản của nhà nước; quy định về chứng nhận, xác nhận giá tài sản của HTX, thành viên HTX nhất là các tài sản trên đất (nhà màn, nhà kính, hạ tầng sản xuất, chế biến, bảo quản, thương mại..); quy định về tín dụng nội bộ và việc huy động vốn trong hợp tác xã. Quan tâm đặc biệt đến một số các chính sách thiết yếu và hiệu quả thực thi chính sách, tránh tình trạng chính sách quy định một cách dàn trải, thiếu nguồn lực thực hiện. Hỗ trợ HTX nông nghiệp phát triển các cơ sở chế biến, bảo quản và thương mại nông sản, chế biến phụ phẩm nông nghiệp, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường; bảo hiểm nông nghiệp thực hiện qua các HTX; hỗ trợ các HTX nông nghiệp chuyển đổi số và chính sách miễn, giảm thiểu thuế thu nhập, thuế giá gia tăng đối với các dịch vụ của HTX, nhất là các dịch vụ nâng cao phúc lợi ở nông thôn như bảo hiểm y tế, bảo hiểm nông nghiệp, dịch vụ môi trường, phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở nông thôn; các chính sách giúp HTX nông nghiệp tập trung ruộng đất, mở rộng quy mô sản xuất hàng hóa, phát triển thành viên, tăng cường liên kết chuỗi hiệu quả…
Vị đại biểu tỉnh Bắc Ninh cũng cho rằng, cần quy định về tổ chức đối với HTX nông nghiệp để có thể thu hút đông đảo người dân quan tâm vào HTX bao gồm cả thành viên chính thức, thành viên liên kết (không góp vốn, chỉ sử dụng dịch vụ của HTX hoặc ngược lại); Quy định các tiêu chí phân loại theo lĩnh vực hoạt động, trong đó, nội dung chi tiết các tiêu chí phân loại và mục đích, mục tiêu áp dụng theo từng tiêu chí cần được nghiên cứu, bổ sung quy định chi tiết trong Luật HTX sửa đổi.
Cũng theo đại biểu, Luật HTX sửa đổi cần có quy định cụ thể về thành lập, phát triển doanh nghiệp trong HTX, liên hiệp HTX, làm rõ về loại hình doanh nghiệp, mối quan hệ quản lý, quan hệ kinh tế giữa các tổ chức kinh tế tập thể và doanh nghiệp, hoặc các tác nhân khác trong chuỗi giá trị nông sản.
Khẳng định vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc phát triển HTX trong lĩnh vực nông nghiệp, đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh đề nghị Cơ quan chủ trì thẩm tra và Cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật tiếp tục nghiên cứu để thiết kế một Chương riêng trong dự án Luật quy định về tổ chức, hoạt động và chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển HTX nông nghiệp hoặc Luật giao Chính phủ quy định chi tiết về HTX nông nghiệp, làm cơ sở để Chính phủ ban hành Nghị định, khắc phục tồn tại, hạn chế của Luật HTX hiện hành.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Văn Huy (Đoàn Thái Bình) phân tích, khi chuyển đổi mô hình HTX thì HTX nông nghiệp sản xuất kinh doanh dịch vụ nhưng thực chất HTX nông nghiệp mang tính chất đặc thù, dễ bị rủi ro do thiên tai, dịch bệnh. Loại hình HTX này mang tính phục vụ là chính chứ không đơn thuần là sản xuất kinh doanh, nhiều việc không thể tính lãi. Vì vậy, trong thời gian qua nhiều HTX nông nghiệp hoạt độngchưa gắn yêu cầu kinh doanh, dẫn đến nhiều HTX bị thua lỗ.
Từ thực tế này, đại biểu đề nghị cần bổ sung một điều tại Chương 2 về chính sách ưu đãi trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó, cần cụ thể hóa các chính sách để triển khai được trong thực tiễn, như chính sách về đất đai, về tiếp cận tín dụng cho HTX. Các chính sách ưu tiên cho lĩnh vực nông nghiệp cần giao Chính phủ cụ thể hóa tại Dự thảo nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật HTX theo đúng chủ trương của Nghị quyết số 20./.
Theo Báo Đảng cộng sản Việt Nam