Gỡ 'nút thắt' cơ giới hóa trong HTX
Áp dụng cơ giới hóa đồng bộ giúp HTX, nông dân tạo ra số lượng hàng hóa lớn, phù hợp với nông nghiệp hiện đại và tạo dựng được các chuỗi giá trị bền vững. Tuy nhiên, mới chỉ có ít HTX thực hiện cơ giới hóa đồng bộ nhờ sản xuất tập trung trên quy mô lớn và xây dựng được các mối liên kết bền chặt với các đơn vị liên quan.
Ông Nguyễn Trung Dậu, thành viên HTX nông nghiệp hữu cơ Trung Dũng (Sơn La) cho biết, ứng dụng máy móc trong các khâu làm cỏ, cắt, đốn, tỉa, xới đất, tưới tự động… trên diện tích cây ăn quả chỉ được ông thực hiện khi bắt đầu tham gia HTX. Việc này giúp ông và thành viên tiết kiệm thời gian, nhân lực, chi phí.
Cơ giới hóa chưa đồng bộ
So sánh trên diện tích 1ha, trước đây nếu sử dụng lao động thủ công sẽ cân f 7-10 công lao động. Nhưng hiện nay, HTX Trung Dũng chỉ cần 2-3 công lao động, thành viên từ đó có thời gian quản lý sâu bệnh, nâng cao chất lượng cây ăn quả và nâng lợi nhuận lên 10-20%. Đặc biệt, cơ giới hóa còn giúp giải quyết bài toán thiếu lao động ở các HTX nông nghiệp, nhất là lao động trẻ đang đổ xô đi làm việc tại các khu công nghiệp.
Tuy nhiên, với nhiều HTX khác, áp dụng cơ giới hóa gặp không ít thách thức và khó khăn. Bởi, một số HTX có diện tích đất đai nhỏ lẻ, phân bố không tập trung khiến việc đầu tư máy móc trở nên lãng phí, không mang lại hiệu quả, hoặc làm tăng chi phí đầu tư.
Một số HTX khác tuy đã đầu tư máy móc nhưng cơ giới hóa chỉ diễn ra một vài khâu, các khâu còn lại như bón phân, thu hoạch rau, củ… vẫn thực hiện thủ công.
Ngay như trong canh tác lúa, hầu hết các công đoạn đều đã được cơ giới hóa nhưng khâu gieo sạ, tỷ lệ cơ giới hóa còn thấp do chi phí ở khâu này còn cao, nhiều HTX gặp khó khi làm giá thể để đưa vào máy.
Ở công đoạn phun xịt thuốc cũng vậy, việc sử dụng máy móc chỉ diễn ra một số HTX vì diện tích sản xuất chưa đủ lớn và việc ứng dụng máy bay không người lái không hề đơn giản với thành viên HTX.
Một trong những lý do khiến nhiều HTX khó khăn trong ứng dụng cơ giới hóa là trình độ và tuổi tác của các thành viên ở nhiều mức độ khác nhau nên quá trình nhận thức và ứng dụng máy móc không được đồng đều. Bên cạnh đó, chi phí đầu vào cao cũng là nguyên nhân khiến nhiều HTX e dè trong đầu tư.
Cơ giới hóa ở nhiều HTX, trang trại vẫn gặp những khó khăn, lực cản nhất định. |
Ông Bùi Công Thành, Giám đốc HTX nông nghiệp liên kết Fadin (Sơn La) cho biết, hệ thống máy móc đảo, sấy, giàn xay, giàn xát… cà phê có giá lên đến 6 tỷ đồng. Ngoài ra, HTX còn phải đầu tư sân, bãi, cần có người có chuyên môn mới có thể vận hành hệ thống máy móc.
Điều này khiến nhiều HTX, đặc biệt là các HTX nông nghiệp ở vùng nông thôn khó có thể đầu tư cơ giới hóa bài bản, đồng bộ. Nhiều HTX cho rằng chi phí đầu tư quá lớn, trong khi lợi nhuận thu về chưa chắc đã lớn nếu đầu ra chưa rộng mở. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng, đường điện, giao thông nông thôn chưa đồng bộ cũng là nguyên nhân khiến nhiều HTX dù muốn đầu tư máy móc nhưng đành “lực bất tòng tâm”.
Cần có lộ trình cơ giới hóa
Theo các chuyên gia, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao để cơ giới hóa là tình trạng chung của nhiều HTX. Tại các nước có nền nông nghiệp phát triển như Thái Lan, Úc…, hệ thống máy móc, điều khiển máy bay không người lái, vận hành các trung tâm công nghệ thông minh phục vụ sản xuất nông nghiệp đều có nguồn nhân lực có năng lực, được đào tạo chuyên nghiệp. Tuy vậy, điều này lại là khó khăn, thách thức đối với người dân, HTX Việt Nam.
Đặc biệt, cơ giới hóa thành công không chỉ ở nông dân, thành viên HTX, bởi việc này không đơn thuần chỉ dừng ở khâu đầu tư máy móc, ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất nông nghiệp, mà còn cần có phương pháp, mục tiêu rõ ràng để bảo đảm sự phát triển đồng bộ cho toàn ngành nông nghiệp.
Muốn vậy, ở góc độ quốc gia, các cơ quan quản lý cần xác định được năng lực sản xuất của nền nông nghiệp hiện tại để đưa ra giải pháp cơ giới hóa phù hợp nhất.
TS Johnny Nguyễn Hoàng Hiệp, Giám đốc điều hành Công ty TNHH SQV International, cho rằng Bộ NN&PTNT đã có những giải pháp để hỗ trợ HTX, doanh nghiệp cơ giới hóa, ứng dụng khoa học công nghệ, nhưng đó chưa phải là những chiến lược dài hạn mà chỉ là những hỗ trợ, định hướng đơn thuần.
Điều này là do ngành chức năng chưa đánh giá được năng lực sản xuất thực sự của ngành nông nghiệp, từ đó gây khó khăn cho người dân, HTX, doanh nghiệp trong việc xác định lộ trình đầu tư cơ giới hóa để phát triển dài hạn, bền vững.
Ngoài ra, muốn cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ hiệu quả, cơ quan quản lý cũng cần phải cung cấp các thông tin về thời tiết, khí hậu, yêu cầu về điều kiện sản xuất của các nhà nhập khẩu… từ đó giúp người dân, HTX có thể điều chỉnh vận hành máy móc một cách phù hợp và mang lại hiệu quả cao trong sản xuất. Tuy nhiên, việc dự báo và cung cấp các thông tin này hiện còn nhiều hạn chế.
Nhiều chuyên gia cho rằng việc ứng dụng cơ giới hóa cần phải phù hợp với từng vùng miền, từng mô hình sản xuất của người dân, HTX. Điều này cũng giống như vườn sầu riêng trồng ở miền Tây không thể chăm sóc, ứng dụng công nghệ, máy móc giống như những vườn sầu riêng ở Tây Nguyên. Hay như một HTX có diện tích đất đai hạn hẹp, chỉ 5-7ha thì cách thức quản lý và ứng dụng cơ giới hóa cũng sẽ khác so với HTX có trang trại lên đến 40-50ha.
Nhiều HTX cho biết, các loại cây ăn quả hiện nay phần lớn là thân gỗ, tán rộng, chiều cao lớn, nhiều lá. Trong khi thị trường vẫn chưa có các loại máy thu hoạch phù hợp, bảo đảm về chất lượng nên các HTX vẫn thường phải thu hoạch thủ công.
Để tháo gỡ điều này, các nhà sản xuất máy móc cũng cần quan tâm đến nhu cầu của người nông dân, HTX nhiều hơn thì mới giúp sản xuất nông nghiệp ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ và phù hợp với đặc điểm của từng vùng miền, từng loại cây trồng.
Bà Nguyễn Thị Thành Thực, Ủy viên BCH Hiệp hội nông nghiệp nông nghiệp số, cho rằng muốn ứng dụng cơ giới hóa, công nghệ hiện đại, các HTX phải biết được mình đang cần gì, muốn gì. Nếu HTX không làm được điều này giống như một người chủ muốn đầu tư một ngôi nhà nhưng không biết mình muốn xây ngôi nhà như thế nào thì người thiết kế và người thợ sẽ thiết kế và xây ngôi nhà đó theo ý họ chứ không phải theo ý của người chủ.
Tuy nhiên, với số lượng HTX nông nghiệp đạt hơn 19.000 HTX như hiện nay, để xác định được mong muốn của các HTX trong cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ, cần ưu tiên thành lập các HTX nông nghiệp số điểm để biết họ muốn gì, cần gì, khó khăn ra sao, từ đó thuận tiện cho việc nhân rộng và ứng dụng cơ giới đồng bộ. Và sự ra đời của HTX dịch vụ nông nghiệp số Bình Phước (Bình Phước) đang giúp các nhà khoa học, các cơ quan quản lý từng bước tháo gỡ những khó khăn chung của các HTX trong ứng dụng cơ giới hóa cũng như phát triển theo hướng bền vững.
Cụ thể, thời gian qua, HTX nông nghiệp số Bình Phước đã sử dụng máy bay không người lái, lắp đặt hệ thống camera giám sát và thệ thống tưới nước tự động vào cơ giới hóa trên toàn bộ 50ha bơ. HTX cũng đã liên kết được các đơn vị giúp giải quyết được khâu bảo quản giống với phương pháp ướp đông bằng nitơ. Từ đó giúp tối ưu hóa khâu lưu kho nông sản đến 2 năm, tránh tình trạng hàng bị tồn đọng, hư hỏng...
PGS TS Lý Nguyễn Bình, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, cho biết phần đông người dân, thành viên HTX làm nông nghiệp hiện nay chỉ biết nhiều về cây, con, vấn đề sinh học còn những vấn đề về máy móc, robot, thu thập dữ liệu… thì chưa quan tâm.
Điều này một phần là do trình độ của họ chỉ tập trung vào một số lĩnh vực nhất định. Chính vì vậy, chỉ có hợp tác với các trường, viện thì người nông dân, HTX mới giải quyết được những khó khăn trong việc đầu tư, vận hành các máy móc, công nghệ hiện đại. Trong khi các trường, viện lại có rất nhiều nghiên cứu hiệu quả nhưng chưa được ứng dụng vào thực tiễn.
Theo VN Business