Nông dân Đắk Nông thu ‘vàng’ từ canh tác xanh
Nhiều năm gắn bó với cây hồ tiêu, ông Vũ Quang Chiểu, ở xã Trường Xuân (Đắk Song, Đắk Nông) nhận thấy việc sản xuất theo hướng hữu cơ góp phần rất lớn trong việc nâng cao giá trị cho cây trồng, từ đó tăng thu nhập, thoát nghèo và vươn lên khá giả.
Đây cũng là cách làm mà HTX Nông sản hữu cơ BeChamp Đắk Nông, xã Trường Xuân đang áp dụng. Đó là canh tác xanh, gắn với bảo vệ môi trường, hạn chế thuốc bảo vệ thực vật, tiết kiệm chi phí đầu vào trong chăm sóc cây trồng.
Tiết kiệm chi phí, tăng giá trị sản phẩm
Hiện, sản phẩm hồ tiêu của HTX Nông sản hữu cơ Bechamp Đắk Nông đã đạt chứng nhận hữu cơ. Những diện tích này đang được trồng xen với cây cà phê, HTX đang hoàn thiện các quy trình sản xuất để tiến tới được công nhận hữu cơ cho sản phẩm cà phê.
Sản xuất hữu cơ giúp tiết kiệm chi phí, gia tăng giá trị sản phẩm (Ảnh: Int) |
Những năm qua, các thành viên HTX Nông sản hữu cơ Bechamp Đắk Nông áp dụng kỹ thuật tự ủ phân bón, thuốc sinh học để chăm sóc cây trồng. Cách làm này vừa tiết kiệm chi phí đầu tư, vừa nâng cao giá trị sản phẩm.
Theo Giám đốc Lê Đình Hùng, HTX luôn tìm giải pháp giảm chi phí đầu vào, tăng năng suất cho cây trồng và đưa được sản phẩm tốt nhất đến với người tiêu dùng.
Hiện nay, thành viên của HTX tự ủ phân bón, thuốc sinh học bón cho cây trồng có thể giảm từ 10-30 triệu đồng/ha so với bón phân hóa học.
HTX luôn sẵn sàng chia sẻ kỹ thuật làm nông nghiệp hữu cơ miễn phí cho nông dân, mong muốn nông dân thay đổi tư duy làm nông nghiệp và từ đó tham gia vào HTX.
Cụ thể, HTX tập hợp những nông dân có cùng mục tiêu sản xuất nông sản sạch. Những thành viên có nhiều kinh nghiệm về sản xuất phân bón, chế phẩm sinh học sẽ trở thành “giảng viên” chia sẻ kỹ thuật miễn phí cho người khác.
Anh Nguyễn Văn Thủy, thành viên HTX, từng tham gia nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật ủ phân, thuốc từ phế phẩm nông nghiệp. Gia đình anh có 3ha cà phê, hồ tiêu hoàn toàn được chăm sóc bằng phân bón, thuốc sinh học tự ủ. Với 2.000 cây cà phê, năm vừa rồi, anh thu hoạch được 8,5 tấn cà phê nhân; 700 cây hồ tiêu cũng mang lại bình quân mỗi năm khoảng 3 tấn hạt.
Từ hiệu quả sản xuất của mình, thời gian qua, anh Thủy đã dành nhiều thời gian hướng dẫn bà con nông dân tự làm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sinh học chăm sóc cây trồng.
Nông dân dễ hiểu, dễ làm, rất hào hứng với cách chia sẻ kỹ thuật kết hợp giữa lý thuyết và thực hành tại vườn của HTX.
Điển hình như ông Lành Văn Nhúng, ở thôn 5, xã Trường Xuân. Ông cho biết đã có hơn 40 năm làm nông, nhưng chưa bao giờ tự làm phân bón. Vừa qua, ông được HTX chia sẻ kỹ thuật tự làm phân, chế phẩm sinh học.
Nhờ được HTX hướng dẫn, ông Nhúng hiểu rõ hơn cách làm nông nghiệp hữu cơ, nhất là có thể tự ủ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sinh học để giảm chi phí đầu tư và tăng năng suất cây trồng.
\"Với những kiến thức tiếp cận được, tôi sẽ áp dụng chăm sóc 4 ha hồ tiêu, mắc ca, bơ. Tôi sẽ tuyên truyền cho mọi người cùng làm theo”, ông Nhúng chia sẻ.
Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Oanh, thôn 8, xã Trường Xuân cho biết, chị rất thích thú khi biết các nguyên liệu để làm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sinh học dễ tìm bởi có sẵn tại vườn rẫy của nông dân, như: quả đu đủ, bơ, chuối, mật mía, cám gạo, tôm, cua, cá, củ tỏi, gừng...
Bên cạnh đó, chị sử dụng thêm sữa chua, các phế phẩm nông nghiệp như vỏ cà phê, ché hồ tiêu, cỏ… để ủ làm phân bón sinh học.
Cùng đồng hành trong hướng đi mới
Hiện nay, nhu cầu sử dụng thực phẩm, sản phẩm nông nghiệp sạch, hữu cơ đang được người tiêu dùng quan tâm, lựa chọn. Do đó, đầu tư các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn đang là hướng đi được nhiều nông dân, thành viên HTX tại Đắk Nông lựa chọn.
Điển hình như trang trại trồng các loại cây ăn trái của HTX SangS Farm, xã Quảng Sơn (Đắk Glong) rộng 80 ha đang được canh tác theo hướng hữu cơ.
Theo ông Ngô Xuân Hiếu, đại diện HTX, trồng cây ăn trái theo hướng hữu cơ là điều kiện tất yếu để nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ sức khỏe người trồng cũng như người tiêu dùng. Cây trồng phát triển khỏe mạnh, ít sâu bệnh, năng suất cao. Đơn cử, HTX hiện đang có 10 ha bưởi được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, sản lượng bình quân mỗi năm đạt gần 200 tấn.
“Để thuận tiện trong chăm sóc, trang trại đã lắp đặt hệ thống tưới tự động, sử dụng phân bón hữu cơ và các loại thuốc vi sinh. Từ đó tạo môi trường thuận lợi cho côn trùng có ích sinh sống, điều hòa cân bằng sinh thái trong vườn. Các loại cỏ mọc được giữ lại. Khi cần thiết chỉ sử dụng biện pháp thủ công để cắt tỉa, không dùng thuốc diệt cỏ”, ông Hiếu thông tin.
Theo thống kê, toàn tỉnh Đắk Nông hiện có gần 170 cơ sở áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) và các tiêu chuẩn khác trong sản xuất nông nghiệp, với tổng diện tích được chứng nhận trên 25.333 ha. Trong đó, khoảng 2.071,59 ha áp dụng tiêu chuẩn VietGAP; 464,5 ha áp dụng tiêu chuẩn GlobalGAP và hữu cơ; trên 22.797 ha áp dụng các tiêu chuẩn khác như 4C, UTZ, Rainforest Alliance, Flo…
Đại diện ngành nông nghiệp Đắk Nông cho biết, tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người nông dân trong sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, từ đó hướng đến một nền nông nghiệp an toàn và bền vững, trong khi vẫn đảm bảo gia tăng giá trị sản phẩm.
Chính vì vậy, ngành nông nghiệp thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất bảo vệ môi trường cho nông dân, thành viên HTX và tổ hợp tác.
Đặc biệt, nhằm khắc phục tình trạng lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không hợp lý, thời gian qua, ngành nông nghiệp đã tích cực tuyên truyền và hướng dẫn chuyển đổi phương thức sản xuất từ truyền thống sang quy trình sản xuất sạch, an toàn.
Cụ thể, ngành nông nghiệp đang tập trung nguồn lực từ phía các doanh nghiệp, liên kết với nông dân triển khai các mô hình, dự án xử lý chất thải, thuốc bảo vệ thực vật. Khuyến khích bà con sử dụng các vật tư đầu vào tiên tiến theo hướng hữu cơ để giảm thiểu tối đa nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Trong đó, tăng cường việc hướng dẫn nông dân sử dụng đúng thuốc bảo vệ thực vật theo danh mục được cho phép và xử lý bao bì đúng cách đúng quy trình.
Ngoài ra, ngành nông nghiệp đang phối hợp đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất. Để triển khai, ngành chú trọng tới việc xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân thực hiện xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật, phân bón trên ruộng đồng...
Theo VN Business