Giảm thuế VAT để nuôi dưỡng HTX phát triển
Nếu chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống còn 8% từ ngày 1/7 đến hết năm 2023 tiếp tục được thông qua sẽ giúp khu vực kinh tế tập thể, HTX vượt qua được khó khăn, hoàn thành nhiều mục tiêu sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, trước thực tế sản xuất kinh doanh được dự báo bị tác động bởi khó khăn của nền kinh tế thế giới đến gần hết năm 2024, nhiều HTX mong muốn chính sách này sẽ được kéo dài thêm thời gian thực hiện.
HTX vận tải Thống Nhất (TP HCM) có khoảng 700 xe hoạt động thì khoảng 150 xe khách chạy tuyến cố định đi các tỉnh thành phố, số còn lại là xe chạy hợp đồng và lúc cao điểm có thể lên đến hàng nghìn xe.
Tăng sức đề kháng cho HTX
Theo tính toán của các thành viên HTX, nếu được giảm VAT từ 10% xuống còn 8%, chi phí đầu vào của HTX cũng giảm theo. Chẳng hạn với một xe vận hành khách khách 45 chỗ, mỗi tháng chi trung bình khoảng 500.000-600.000 đồng phí đường cao tốc (tùy tuyến). Nhưng khi được giảm VAT 2%, HTX sẽ giảm được một phần phí đường cao tốc. Chi phí này có thể bù vào việc giảm giá vé cho hành khách, từ đó thu hút được nhiều người đi xe khách hơn. Ngoài ra, HTX cũng sẽ giảm được chi phí đầu vào từ chính sách giảm VAT 2%.
Còn HTX Tân Tiến Phát (Hà Tĩnh) là mô hình kinh tế tập thể hoạt động sản xuất kinh doanh bánh kẹo lớn nhất Bắc Trung Bộ. Khi không áp dụng chính sách giảm VAT, HTX phải nộp thuế giá trị gia tăng 10%. Nhưng nếu Nhà nước tiếp tục áp dụng giảm thuế này trong thời gian tới, HTX sẽ giảm được cả chi phí cho khâu nhập nguyên liệu chế biến và chi phí đưa sản phẩm ra thị trường.
Việc này không chỉ giúp kích thích người tiêu dùng mua sản phẩm của HTX mà còn giúp HTX tăng sức đề kháng, giảm được nỗi lo trong sản xuất kinh doanh trong bối cảnh thị trường gặp vô vàn khó khăn. Trong khi bánh kẹo hiện không phải là mặt hàng thiết yếu mà phần lớn là hàng “dùng thêm”, “thưởng thức” đối với người tiêu dùng.
Nếu chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống còn 8% tiếp tục đi vào thực tiễn sẽ thúc đẩy hoạt động mua sắm và sản xuất kinh doanh của HTX, doanh nghiệp. |
Mang lại rất nhiều lợi ích nên các HTX, liên hiệp HTX đều chung tâm trạng ủng hộ và mong chờ đề xuất giảm VAT 2% sớm đi vào thực tiễn. Bởi các HTX, Liên hiệp HTX hoạt động đa dạng ở các ngành nghề, trong đó có nhiều lĩnh vực, ngành nghề phải chịu thuế VAT. Nếu các HTX, liên hiệp HTX chỉ áp dụng các chương trình khuyến mãi cũng chỉ thực hiện trong một thời gian ngắn và chỉ trên một vài mặt hàng nhất định. Nhưng khi áp dụng chính sách thuế, sẽ góp phần tích cực vào việc bình ổn thị trường, tăng cường hoạt động mua-bán cho HTX.
Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường nhiều khó khăn, những HTX, liên hiệp HTX có cửa hàng thực phẩm sạch, có nhà máy-nhà xưởng sản xuất… ngoài tăng cường phối hợp với các nhà cung cấp hỗ trợ khách hàng bằng các chương trình khuyến mãi, giảm giá còn sẵn sàng, chủ động chuẩn bị để kịp thời triển khai việc giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% còn 8% ngay khi được Quốc hội thông qua.
Cần kéo dài thời gian
Một trong những điểm mới của chương trình giảm thuế đợt này (nếu được Quốc hội thông qua), là sẽ áp dụng cho tất cả hàng hóa, dịch vụ. Điều này khắc phục những khó khăn khi thực hiện chính sách trước đây và cũng mở ra cơ hội cho HTX ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Các HTX, liên hiệp HTX khi thực hiện giảm VAT cho khách cũng sẽ được áp dụng thuận tiện hơn vì không phải mất thời gian bóc tách hóa đơn, không phải kiểm tra xem mặt hàng nào được giảm thuế, mặt hàng nào không được giảm.
Dự kiến, Chính phủ sẽ trình Quốc hội đề xuất tiếp tục giảm thuế VAT 2% vào kỳ họp gần nhất trong năm nay, dự kiến diễn ra vào tháng 5 này. Nếu Quốc hội chấp thuận thì sẽ ban hành nghị quyết và áp dụng sớm nhất là từ tháng 6 hoặc đầu tháng 7.
Tuy nhiên, theo các HTX, Liên hiệp HTX chính sách này chỉ được áp dụng đến hết ngày 31/12/2023 theo đề xuất của Chính phủ thì quãng thời gian áp dụng như vậy còn quá ngắn.
Chính sách này khi áp dụng không chỉ giúp doanh nghiệp, HTX mà còn giúp cả người dân được hưởng lợi. Đặc biệt chỉ tính riêng khu vực kinh tế tập thể hiện có trên 29.000 HTX, khi các HTX được giảm thuế cũng đồng nghĩa với việc giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, từ đó giúp tăng khả năng phục hồi cho khu vực kinh tế tập thể và đóng góp trở lại cho ngân sách Nhà nước.
Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX, doanh nghiệp ở nhiều ngành hàng vẫn được dự báo là tiếp tục bị ảnh hưởng và tác động từ những khó khăn của nền kinh tế thế giới ít nhất đến hết quý 3/2024.
Do đó, cần xem xét kéo dài thêm thời gian áp dụng chính sách giảm thuế VAT từ 10% xuống 8%. Vì theo thống kê của các ngành chức năng, giảm thuế sẽ giúp tăng nguồn thu cho ngân sách. Cụ thể, là giảm VAT 2% từ tháng 2/2022 cho một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đã góp phần giúp ngành thuế thu đạt hơn 124% so với kế hoạch.
Bà Nguyễn Thị Thạch, Giám đốc HTX Tân Tiến Phát, cho rằng kinh doanh, xuất khẩu của HTX sụt giảm trong thời gian dài nên để chính sách giảm thuế VAT tiếp tục phát huy tối đa hiệu quả, các cơ quan quản lý cần xem xét kéo dài thời gian giảm thuế VAT 2% đến hết năm 2024.
Giảm thuế VAT giúp thị trường sản xuất kinh doanh nói chung và hoạt động sản xuất kinh doanh trong khu vực kinh tế tập thể sôi động hơn. Điều này sẽ khiến các HTX, doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng nhiều thêm, từ đó kéo gia tăng việc làm, thu nhập lẫn an sinh xã hội.
Theo các chuyên gia kinh tế, suy thoái kinh tế khiến khu vực kinh tế tập thể cũng như các doanh nghiệp gặp không ít khó khăn, thách thức. Chính vì vậy, thúc đẩy thị trường nội địa, tăng tiêu dùng trong nước được xem là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Việc sử dụng công cụ thuế, đặc biệt là chính sách giảm thuế VAT để kích cầu tiêu dùng trong nước là cần thiết.
Theo VN Business