Giàu lên nhờ nuôi cá lăng hữu cơ trên hồ Núi Cốc

lmhtx.khanhhoa.gov.vn ── [ In trang Chủ nhật, 24/11/2024 ]

Bằng việc đầu tư bài bản những lồng cá lớn, nhiều HTX ở Đại Từ (Thái Nguyên) đã tận dụng thế mạnh của hồ Núi Cốc để nuôi cá Lăng trong lồng, mang lại nguồn thu hàng tỷ đồng mỗi năm.

Nhận thấy thế mạnh tự nhiên của hồ Núi Cốc, ông Nguyễn Danh Tuyên (xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) đã đầu tư nuôi cá, hiện ông có tất cả 27 lồng nuôi cá, trong đó có 17 lồng cá lăng, còn lại là các loại như cá nheo, cá trắm, cá chép, cá bỗng, cá rô phi… với chi phí cho mỗi lồng cá khoảng 20 triệu đồng.

Nuôi cá hữu cơ mang lại giá trị cao

Hồ Núi Cốc rộng 2.500ha, với nhiều đảo lớn nhỏ, khí hậu ôn hòa, mát mẻ. Ngoài tiềm năng phát triển du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng, nơi đây còn được đánh giá là địa điểm lý tưởng để nuôi cá lồng. Sau một thời gian nuôi thử nghiệm thành công, đến năm 2020, ông Tuyên quyết định mở rộng diện tích nuôi cá, với suy nghĩ muốn thành công thì không thể đi một mình, ông đã kêu gọi bà con trong khu vực cùng nhau thành lập HTX Nông lâm thủy sản Hồ Núi Cốc với 8 thành viên.

\"-2184-1683543486.jpg\"

Nuôi cá lăng trên hồ Núi Cốc đang mở ra hướng phát triển kinh tế cho nhiều HTX ở Đại Từ.

Ông Tuyên cho biết, việc thành lập HTX đã giúp cho việc liên kết sản nuôi cá hiệu quả hơn, các thành viên cùng liên kết hợp tác xây dựng các kế hoạch nuôi trồng hiệu quả. Nói về phương thức nuôi cá, ông Tuyên cho hay, ông thường mua giống và thả cá vào tháng 6 hằng năm. Thời gian để thu hoạch cá lăng kéo dài lên tới 2 năm, với trọng lượng trung bình của cá lăng khi thu hoạch đạt khoảng 3kg/con.

Điểm đặc biệt khiến con cá của HTX nuôi được thị trường ưa chuộng là thức ăn cho cá hoàn toàn hữu cơ, chủ yếu là cá tép dầu hồ Núi Cốc mua từ các hộ dân chài trong khu vực. Mỗi lồng cá lăng có khoảng 700 con, tiêu thụ khoảng 40kg cá tép/ngày. Ông Tuyên nhẩm tính, năm nay, gia đình ông thu về lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng.

Nhằm giúp các thành viên HTX cùng phát triển, ông Tuyên đã chủ động hướng dẫn các kỹ thuật nuôi cá, từ khâu lấy giống đến quá trình nuôi… Ngoài ra, HTX còn bao tiêu cả đầu ra cho sản phẩm, từ đó các hộ thành viên có thu nhập ổn định, xác định gắn bó với HTX lâu dài.

Liên kết để cùng phát triển

Cũng giống câu chuyện của ông Tuyên, ông Lê Khánh Lộc, ở xóm Gốc Mít, xã Tân Thái (Đại Từ) cũng bắt đầu nghề nuôi cá lồng bằng những thử nghiệm ban đầu. Sau một thời gian thấy thành công, năm 2016, ông Lộc đã thành lập Hợp tác xã (HTX) thủy sản hồ Núi Cốc với mục tiêu liên kết các hộ dân để phát triển chăn nuôi thủy sản trên hồ.

\"-9362-1683542130.jpg\"

Ngoài nuôi cá, HTX thủy sản Núi Cốc còn cung cấp cá giống cho các hộ dân tại địa phương và các vùng lân cận.

Hiện nay, sau gần 7 năm thành lập, HTX đang sở hữu khoảng 20 lồng cá, trong đó cá lăng là chủ yếu. Ông Lê Khánh Lộc cho biết: Khi cá lăng còn bé, người nuôi có thể thả cả vạn con mỗi lồng, sau đó tách đàn dần. Đến khi cá đạt trọng lượng khoảng 1kg/con, người nuôi chỉ thả với mật độ 500-700 con/lồng. Sau 2 năm rưỡi nuôi trong lồng, cá lăng sẽ đạt trọng lượng trên 3kg/con.

Bình quân mỗi lứa cá lăng, HTX thủy sản hồ Núi Cốc xuất bán trên 10 tấn cá thương phẩm cho các thương lái, nhà hàng trong và ngoài tỉnh, với giá 100-150 nghìn đồng/kg.

Đặc biệt, các các hộ dân sau khi trở thành thành viên của HTX sẽ được hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp thức ăn chăn nuôi với giá cả hợp lý, đặc biệt là bao tiêu đầu ra cho cá thương phẩm.

Ngoài cá thương phẩm, HTX còn cung cấp cá giống cho các hộ dân tại địa phương và các vùng lân cận. Ngoài ra, HTX còn nuôi trồng trai nước ngọt lấy ngọc, với số lượng 3.000-5.000 con/năm, cho sản lượng lượng ngọc trai tương ứng. Điều này giúp các HTX và các thành viên gia tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Trên đây chỉ là hai trong số nhiều HTX ở huyện Đại Từ đang thành công trong việc tận dụng thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế, đóng góp cho sự phát triển của địa phương. Với thế mạnh của hồ Núi Cốc, không chỉ nuôi cá, người dân nơi đây có rất nhiều tiềm năng để phát triển, trong đó phát triển du lịch, trồng các loại cây ăn quả, rau màu… cũng là những hướng đi trong thời gian tới.

Đặc biệt, thực hiện Đề án \"Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025”, trong hai năm 2021-2022, huyện Đại Từ có 15 hợp tác xã (HTX) được thành lập mới, nâng tổng số HTX lên 60 đơn vị, trong đó có 50 HTX nông nghiệp, 10 HTX phi nông nghiệp. Theo đánh giá của địa phương, tỷ lệ HTX hoạt động hiệu quả đạt 70%. Trong bối cảnh đó, huyện Đại Từ tiếp tục khuyến khích các tổ chức kinh tế tập thể phát triển; huy động nguồn lực để đầu tư hỗ trợ về cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các HTX. Địa phương phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ HTX hoạt động hiệu quả đạt trên 80%; thu nhập bình quân của thành viên và người lao động tại các HTX hằng năm tăng từ 10% trở lên…

Dù vậy, để các HTX phát huy vai trò của mình, địa phương cần có những hỗ trợ cụ thể hơn nữa. Chẳng hạn, việc mở rộng sản xuất, đất đai mở nhà xưởng, vay vốn sản xuất… vẫn còn nhiều rào cản khiến HTX chưa thể tiếp cận được. Như câu chuyện của HTX thủy sản hồ Núi Cốc, hiện nay việc xây dựng trụ sở và xưởng chế biến sản phẩm vẫn chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chung, hiện tích đất đang sử dụng hiện vẫn thuộc quyền sử dụng của cá nhân, do các thành viên đóng góp. Điều này gây khó khăn cho HTX khi có nhu cầu vay vốn, bởi không có tài sản thế chấp.

Bởi vậy, các HTX mong mỏi địa phương, các cấp, ngành hỗ trợ, tạo điều kiện về thủ tục hành chính, đất đai và nhất là vốn để các HTX có điều kiện mở rộng sản xuất, đẩy mạnh phát triển thương hiệu cá lăng hồ Núi Cốc, đưa sản phẩm tới nhiều nơi trong cả nước.

Theo VN Business