Vai trò dẫn dắt của hợp tác xã trong hợp tác đưa nông sản ra 'chợ' toàn cầu
Dư địa phát triển của nông sản Việt trên thị trường thế giới rất lớn. Cơ hội nhiều nhưng đòi hỏi sản xuất nông sản phải theo chuỗi giá trị. Trong đó, hợp tác xã đóng vai trò dẫn dắt, là cầu nối liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, qua đó tập trung nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu.
Tính đến nay, Việt Nam đã có 10 mặt hàng nông sản xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD. Đặc biệt, xuất khẩu mặt hàng trái cây đã chính thức vượt qua dầu thô, nếu làm tốt có thể đạt xấp xỉ 4 tỷ USD trong năm nay.
Tuy nhiên, yêu cầu thị trường ngày càng phức tạp, đòi hỏi tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm cao hơn. Đặc biệt, trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ thương mại, nhiều thị trường đưa ra các yêu cầu rất khó, khiến các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân sản xuất và phân phối nông sản trong nước lo lắng.
Sầu riêng tại Tổ Hợp tác xã Khánh Đông - Khánh Vĩnh - Khánh Hòa
Thị trường khó tính hơn
Trước tình trạng bị thương lái ép giá, nông sản làm ra có chất lượng cao nhưng giá bán không được như mong muốn, có hợp tác xã tại Nam Giang, Đắk Đoa, Gia Lai, trồng tiêu sạch với thành viên tham gia là các hộ nông dân. Gần đây, các thành viên trong hợp tác xã tỏ ra lo lắng là cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung Quốc leo thang sẽ tác động như thế nào tới ngành cà phê, hồ tiêu Việt Nam.
Một nông dân trồng thanh long ở Lập Thạch - Vĩnh Phúc, băn khoăn làm thế nào để xây dựng được thương hiệu nông sản nói chung và thanh long nói riêng, đáp ứng các yêu cầu của các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, EU…
Ts. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, đánh giá \"chợ\" nông sản toàn cầu vô cùng rộng lớn, cơ hội nhiều nhưng ngày càng phức tạp, đòi hỏi tiêu chuẩn chất lượng khắt khe. Đặc biệt, trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ ngày càng lên cao, chúng ta phải chấp nhận có những yêu cầu khó tính đến bất ngờ.
Muốn đáp ứng được, nông sản Việt phải tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị, đáp ứng được yêu cầu, có cam kết đảm bảo chất lượng theo yêu cầu của khách hàng. Bên cạnh đó, nông dân, doanh nghiệp cũng phải tuân thủ cam kết theo đúng thông lệ quốc tế.
Tuy nhiên, thực tế nhìn lại, nền nông nghiệp Việt Nam hiện nay vẫn chủ yếu có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, mạnh ai nấy làm nên hiệu quả kinh tế chưa cao, nhất là khâu tiêu thụ nông sản còn nhiều khó khăn.
Do vậy, các chuyên gia cho rằng rất cần xây dựng chuỗi giá trị khép kín, trong đó có sự hợp tác giữa người sản xuất và doanh nghiệp trong các khâu từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ nông sản.
Câu hỏi đặt ra là \"Làm thế nào để khuyến khích nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư vào nông nghiệp, dẫn dắt chuỗi liên kết này. Làm thế nào để nông dân sẵn sàng tham gia chuỗi liên kết cùng doanh nghiệp phát triển chuỗi?\".
Thứ trưởng Bô Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho rằng trong chuỗi này rất cần người đại diện cho hộ nông dân thay vì doanh nghiệp phải làm việc với từng hộ, chính vì thế rất cần có đại diện hợp tác xã, tổ hợp tác cùng vào cuộc, có như vậy mới khuyến khích DN tham gia.
\"Đi xa\" phải có thương hiệu
Nhìn từ kinh nghiệm ở Hàn Quốc và Nhật Bản – những quốc gia có nền nông nghiệp phát triển, ông Nguyễn Xuân Định, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, cho biết ở hai quốc gia này có tới 90% nông dân tham gia vào hợp tác xã, chỉ những nông dân thực sự có tiềm lực lớn mạnh mới không tham gia. Và họ cũng có nhiều loại hình hợp tác xã với nhiều cách quản lý vận hành khác nhau. Có hợp tác xã chỉ làm đất, có hợp tác xã chỉ cung cấp vật tư nông nghiệp, có hợp tác xã chỉ làm về nước…
Đặc biệt, Nhật Bản và Hàn Quốc rất chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động của hợp tác xã. Đặc biệt là việc quản lý chất lượng, không kiểm nghiệm chất lượng thủ công mà có quy trình với máy móc được lập trình, tính toán chính xác… Đó là những kinh nghiệm để Việt Nam học tập.
Trước thực tế trên, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đánh giá khâu kết nối cung – cầu vẫn đang là khâu yếu nhất trong chuỗi giá trị nông sản của Việt Nam. Nếu sản xuất tốt, đúng kế hoạch, theo tín hiệu thị trường thì tiêu thụ sẽ tốt nhưng hiện nay, chủ yếu sản xuất thô, chế biến sâu ít, sản xuất tự do theo thói quen, không gắn kết với tiêu thụ, hàng triệu người nông dân trở thành người bán hàng, đương nhiên sẽ ít người mua.
\"Thị trường ở đây không chỉ là \"chợ\" trong nước cho hơn 90 triệu dân Việt Nam mà còn cho 7 tỷ người trên thế giới. Do vậy, vấn đề gốc rễ là tổ chức sản xuất theo cách khai thác lợi thế từng vùng, từng địa phương gắn chặt với thị trường trong nước và toàn cầu mới khai thác hết được tiềm năng này\", Phó Thủ tướng
yêu cầu.
Mặt khác, các chuyên gia, doanh nghiệp cũng cho rằng muốn \"đi xa\", nông sản buộc phải khẳng định chất lượng và thương hiệu. Theo ông Ngô Minh Hải, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn TH true MILK, xây dựng chuỗi sản xuất phải xác định lại mục tiêu cho chuỗi giá trị, đó là làm thế nào nâng cao giá trị nông sản. Chất lượng sản phẩm thì đề cập tới vấn đề cốt lõi như xây dựng quy chuẩn, quy trình, tìm hiểu công nghệ mới, ứng dụng công nghệ cao để có sản phẩm chất lượng cao.
Đồng thời, nâng cao năng suất thì phải xây dựng thương hiệu. Nếu như chất lượng của năng suất tạo giá trị của thương hiệu, thương hiệu cũng sẽ \"làm thăng hoa\" giá trị nông sản.
\"Chúng ta cần phải đạt được cả hai yếu tố là giá trị và thương hiệu. Có như vậy, nông sản Việt mới đi xa\", ông Hải nhấn mạnh.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho rằng vấn đề thương hiệu là hết sức quan trọng. Hiện có rất nhiều nông sản của Việt Nam đã có thương hiệu, đã xây dựng được thương hiệu nhưng không giữ được. Do đó, để thương hiệu thực sự bền vững, nông sản phải đáp ứng được hai yêu cầu quan trọng, đó là chất lượng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, để xây dựng thương hiệu, theo ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, các thương hiệu nổi tiếng như Google hay Apple đều không do bất kỳ Chính phủ nước nào bỏ tiền ra làm. 99% tới từ nỗ lực của bản thân doanh nghiệp.
Liên hệ ở Việt Nam, tất cả doanh nghiệp muốn xây dựng thương hiệu đều phải dựa trên chất lượng sản phẩm, hàng hóa của chính doanh nghiệp cung cấp cho thị trường.
Ngọc Hạnh lược từ nguồn thoibaokinhdoanh.vn