Trồng rau cần công nghệ cao, thu hơn 250 triệu đồng/ha

lmhtx.khanhhoa.gov.vn ── [ In trang Chủ nhật, 24/11/2024 ]

Mô hình trồng rau cần theo chuẩn VietGAP, hữu cơ trên địa bàn huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang những năm qua đang cho thu nhập cao nhờ cái bắt tay giữa nông dân, HTX và doanh nghiệp, cùng sự đồng hành của địa phương.

Theo thống kê, hiện có hàng chục HTX đang tham gia vào chuỗi sản xuất rau cần ở Hiệp Hòa, các HTX không chỉ là điểm tựa tổ chức sản xuất cho nông dân mà còn là cầu nối với doanh nghiệp trong khâu tiêu thụ.

Ứng dụng công nghệ, nâng cao giá trị

Hoàng Lương đang là xã điểm trồng rau cần theo hướng hàng hóa ở Hiệp Hòa nhờ sự hình thành của nhiều HTX. Đến nay, toàn xã đang có trên 200 ha trồng rau cần, trong đó 110 ha sản xuất VietGAP, 30,5 ha sản xuất rau an toàn. Giá trị sản xuất đạt bình quân hơn 250 triệu đồng/ha/năm.

Đáng chú ý, để nâng cao giá trị sản xuất, xã Hoàng Lương đã chủ động thành lập hội sản xuất, tiêu thụ rau cần với sự tham gia của 8 HTX trực tiếp làm nhiệm vụ tổ chức sản xuất, hỗ trợ nông dân phát triển mô hình theo chuỗi, ứng dụng hiệu quả khoa học – công nghệ, đồng thời kết nối bao tiêu sản phẩm.

Đơn cử, nhờ sự linh hoạt trong đổi mới sản xuất, ứng dụng khoa học – công nghệ, thích ứng thị trường đang giúp HTX Lý Hùng (xã Hoàng Lương) liên tục gặt hái thành công, mang lại thu nhập cao cho thành viên, hộ liên kết.

\"-7451-1683697099.jpg\"

Các HTX trồng rau cần ở Hiệp Hòa đẩy mạnh chế biến, đóng gói để đưa sản phẩm đi xa hơn (Ảnh: Mai Toan/BBG).

Ông Nguyễn Văn Hùng, đại diện HTX, cho biết kể từ năm 2018 đến nay, HTX Lý Hùng duy trì diện tích sản xuất 5 - 6 ha trồng rau cần theo hướng hàng hóa, chất lượng cao.

Để nâng cao giá trị sản xuất, toàn bộ khu trồng rau cần kết hợp với rau muống tiến vua của HTX hiện được bao phủ bởi hệ thống nhà lưới hiện đại, giảm thiểu những tác động tiêu cực từ thời tiết, hạn chế sâu bệnh, vi sinh vật gây hại, giúp năng suất, chất lượng sản phẩm tăng.

Theo ông Nguyễn Văn Hùng, khu nhà lưới ứng dụng công nghệ cao của HTX được đầu tư từ năm 2019, trên tổng diện tích hơn 2.000 m2, toàn bộ được sản xuất theo quy trình hữu cơ.

“Khi áp dụng quy trình hữu cơ trong nhà lưới hiện đại, các loại rau hầu như không chịu tác động tiêu cực của thời tiết, cho thu hoạch sớm hơn so với sản phẩm trồng theo phương thức thông thường ở điều kiện tự nhiên từ 10 - 12 ngày, năng suất tăng 15 – 30%, chất lượng nâng lên đáng kể”, vị đại diện HTX phân tích.

Sản xuất an toàn, đẩy mạnh xuất khẩu

Tương tự, với phương thức sản xuất hiện đại, ứng dụng hiệu quả khoa học – công nghệ, đang giúp các thành viên, hộ liên kết của HTX sản xuất và tiêu thụ rau cần Hoàng Hậu (xã Hoàng Lương) nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Theo anh Quách Văn Hoàng, Giám đốc HTX Hoàng Hậu, vào mùa thu hoạch HTX duy trì ít nhất 2 xe ô tô vận chuyển hàng hóa liên tục. Từ tháng Chạp (tháng 12) hàng năm, lượng hàng lớn nên HTX thường xuyên thuê 30 - 40 lao động.

“Vào kỳ giáp Tết, nhu cầu tiêu dùng lớn nên nông dân ra đồng từ sáng sớm mới chuẩn bị đủ hàng để đưa đi tiêu thụ. Mùa cao điểm, xã thu hút cả lao động một số địa phương lân cận như Tân Yên, Yên Thế (Bắc Giang) và huyện Phú Bình (Thái Nguyên) đến làm thuê”, ông Hoàng cho hay.

Với hiệu quả của các HTX cùng sự đồng hành của địa phương, tham gia của doanh nghiệp, rau cần đang trở thành loại rau làm giàu ở Hiệp Hòa.

Nhiều gia đình nhờ trồng rau cần mà có thu nhập từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng mỗi năm như gia đình ông Dương Văn Đức, thôn Hoàng Giang; ông Nguyễn Văn Hùng, thôn Thanh Lương; ông Nguyễn Thế Dương, thôn Đại Thắng; ông Quách Văn Hoàng, thôn Thanh Lâm…

Không chỉ nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, nhờ chất lượng vượt trội, rau cần Hoàng Lương hiện đã có mặt tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, lên kệ nhiều chuỗi siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch uy tín, trở thành lựa chọn tin cậy của người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Bên cạnh mục tiêu mở rộng thị trường trong nước, ngành nông nghiệp huyện Hiệp Hòa cũng đang tích cực thúc đẩy kết nối để đưa rau cần chất lượng cao xuất khẩu. Trong đó, các HTX đóng vai trò quan trọng trong khâu sản xuất, hình thành chuỗi liên kết với doanh nghiệp.

Điển hình như HTX Lý Hùng đang là một trong những đơn vị tiên phong trong huyện đầu tư xây dựng kho lạnh với công suất bảo quản trên 100 tấn để xuất khẩu tiểu ngạch sang thị trường Nga, Hàn Quốc. Ở trong nước, rau cần của HTX cũng có mặt tại nhiều siêu thị uy tín ở Bắc Ninh, Hà Nội…

Theo UBND huyện Hiệp Hòa, nhằm hướng tới thị trường xuất khẩu, huyện đang đẩy mạnh nhân rộng các vùng sản xuất an toàn, chất lượng cao. Tập trung tại các xã Thanh Lâm, Thanh Lương, Đại Thắng, Đồng Hoàng, Ninh Giang và Hoàng Lương.

Rau cần Hoàng Lương hiện đã được xuất khẩu sang một số thị trường thế giới như: Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc, Nga… mang lại hiệu quả kinh tế cao và tạo nhiều việc làm cho người lao động địa phương.

Lệ Chi